Đường dẫn truy cập

WHO: Nguồn gốc COVID mờ mịt vì thiếu dữ liệu của Trung Quốc


Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 9/6 cho hay cuộc điều tra mới nhất của họ về nguồn gốc COVID không đi đến kết quả, phần lớn là do dữ liệu từ Trung Quốc bị thiếu, một đòn nữa giáng vào nỗ lực kéo dài nhiều năm của WHO nhằm xác định xem đại dịch bắt đầu như thế nào.

Báo cáo từ ủy ban chuyên gia của WHO nói tất cả dữ liệu hiện có đều cho thấy virus corona chủng mới gây ra COVID có thể đến từ động vật, có thể là dơi, một kết luận tương tự như nghiên cứu trước đây của WHO vào năm 2021 sau chuyến đi đến Trung Quốc.

Dữ liệu bị thiếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, nơi các trường hợp đầu tiên được báo cáo vào tháng 12 năm 2019, có nghĩa là không thể xác định chính xác bằng cách nào vi rút thoạt đầu được truyền sang người.

Các báo cáo này có thể làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng có thể xác định được nguồn gốc COVID, cũng như thúc đẩy nỗ lực cải cách WHO và các tiến trình khẩn cấp y tế của WHO trong lúc cơ quan này cố gắng khẳng định lại hình ảnh sau nhiều năm bị chỉ trích về việc xử lý đại dịch.

Đây là báo cáo đầu tiên trong số một vài báo cáo dự kiến được đưa ra từ ủy ban. WHO nói báo cáo này cũng vạch ra một cách tốt hơn để điều tra nguồn gốc của các đợt bùng phát trong tương lai.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã viết thư cho chính phủ Trung Quốc hai lần vào tháng 2 năm nay để đòi hỏi thêm thông tin, báo cáo cho thấy. Các tác giả phúc trình cũng cho biết là Trung Quốc đã cung cấp một số dữ liệu theo yêu cầu.

Nguồn gốc của đại dịch, vốn đã giết chết ít nhất 15 triệu người, đã bị chính trị hóa.

Các nhà khoa học nói rằng điều quan trọng là phải biết được những gì đã xảy ra để ngăn chặn những đợt bùng phát tương tự.

Nhưng toán chuyên gia trong ủy ban - được gọi là Nhóm Cố vấn Khoa học về Nguồn gốc của Mầm bệnh Truyền nhiễm Mới (SAGO) - cho biết chưa thể thực hiện được vì thiếu dữ liệu. Họ cũng nói rằng có những “thách thức được công nhận” trong việc điều tra “trong một khoảng thời gian dài sau đợt bùng phát ban đầu”, mặc dù công việc của họ vẫn sẽ tiếp tục.

Maria Van Kerkhove, một quan chức cấp cao của WHO trong ban thư ký SAGO, nói trong một cuộc họp báo rằng: “Càng để lâu, càng khó khăn hơn.”

Bà cho biết WHO sẽ hỗ trợ tất cả những nỗ lực đang diễn ra để hiểu rõ hơn về cách mà đại dịch bắt đầu.

Báo cáo cho biết không có thông tin mới nào được cung cấp về khả năng SARS-CoV-2 lây sang người thông qua một sự cố trong phòng thí nghiệm và “điều quan trọng là phải xem xét tất cả các dữ liệu khoa học hợp lý” để đánh giá khả năng này.

Phản ánh tranh cãi chính trị ảnh hưởng đến việc soạn thảo báo cáo, bản phúc trình có dòng chú thích cho biết các thành viên trong ủy ban từ Brazil, Trung Quốc và Nga không đồng ý rằng cần có các nghiên cứu sâu hơn về giả thuyết COVID từ phòng thí nghiệm và cho thấy không có gì thay đổi so với báo cáo chung giữa WHO với Trung Quốc trước đó vốn được công bố vào tháng 3 năm 2021.

Báo cáo mới nhất cũng bao gồm một khung làm việc về cách xác định nguồn gốc của các đợt bùng phát trong tương lai. WHO nói đây mới là mục tiêu trọng tâm của ủy ban chứ không phải là đưa ra kết luận về COVID-19.

Ông Jean-Claude Manuguerra, đồng chủ tịch SAGO, nói bệnh đậu mùa khỉ là một “minh họa cho thấy chúng ta cần khung làm việc toàn cầu này đến mức nào” để tìm ra cách thức các mầm bệnh trong tương lai xuất hiện.

Khi ủy ban được thành lập vào tháng 10 năm ngoái, ông Mike Ryan, người đứng đầu khẩn cấp của WHO, tuyên bố đây là “cơ hội tốt nhất ... có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta” để hiểu nguồn gốc của virus corona.

Báo cáo cũng bao gồm một danh sách dài các khuyến nghị cho các nghiên cứu sâu hơn có thể làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của COVID-19.

Các khuyến nghị cũng bao gồm tìm kiếm thông tin về các trường hợp mắc bệnh sớm nhất ở Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như các nghiên cứu sâu hơn xung quanh chợ động vật ở Vũ Hán đã sớm được xác định là nơi có khả năng lây nhiễm vi rút sang người.

Báo cáo năm 2021 nói ‘rất khó xảy ra’ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm và gợi ý giả thuyết hợp lý nhất là sự lan truyền từ động vật.

Một báo cáo tình báo sau đó của Hoa Kỳ cho biết cả hai lý thuyết đều hợp lý, mặc dù báo cáo này cũng nghiêng về nguồn gốc tự nhiên.

XS
SM
MD
LG