Các cường quốc mới nổi trong số các nước G20, bao gồm Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, đang bị thúc ép phải đóng góp tài chính khẩn cấp và vaccine COVID-19 cho chương trình chia sẻ vaccine COVAX, Reuters dẫn nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới và một quan chức Na Uy cho biết hôm 7/6.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 tuần này, các quốc gia giàu có cũng bị thúc ép làm theo Hoa Kỳ trong việc cung cấp các liều vaccine ngay lập tức để bù đắp cho khoảng trống 200 triệu liều do tình trạng gián đoạn nguồn cung của Ấn Độ và việc sản xuất chậm trễ.
Cho đến nay, chỉ có khoảng 150 triệu liều được cam kết cho COVAX, còn thiếu xa so với 250 triệu liều cần thiết vào cuối tháng 9 và mục tiêu 1 tỷ liều vào cuối năm, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết.
Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO và điều phối viên của cơ quan xúc tiến tiếp cận các công cụ COVID-19 (ACT-Accererator), và Na Uy, đồng lãnh đạo Hội đồng Cơ chế COVAX với Nam Phi, nói cần phải có nhiều đầu tư hơn nữa.
John-Arne Rottingen, Đại sứ Y tế toàn cầu của Na Uy, nói với các phóng viên: “Chúng tôi vẫn cần nhiều đóng góp hơn từ G7, nhưng cũng đang kêu gọi đầu tư rộng rãi hơn từ G20.
“Chúng ta phải thẳng thắn nói rằng hiện tại một số nền kinh tế mới nổi lớn góp phần quan trọng trong G20, họ vẫn chưa đóng góp tài chính cho ACT-Accelerator, tất nhiên phải kể đến một số nước như Trung Quốc, Brazil”, ông Rottingen nói thêm.
Ông Aylward cho biết các cuộc thảo luận đang được tổ chức với Trung Quốc và Ấn Độ nhưng không cho biết thêm chi tiết.
“Chúng tôi không hạn chế tầm nhìn chỉ trong G7”, quan chức này nói.
“Chúng tôi đang xem xét tất cả mọi nơi, dù là cho việc sản xuất hay cho các hợp đồng cung cấp. Vì vậy, G20 là rất quan trọng. Ấn Độ, Trung Quốc, chúng tôi đang có rất nhiều cuộc thảo luận về họ và về những gì họ có thể làm trong việc giải phóng nguồn cung cũng như thậm chí quyên góp cung cấp”.
Ông Aylward cho biết một đề xuất được EU đệ trình vào thứ Sáu tuần trước cho Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 đã không đi đủ xa, và rằng việc từ bỏ quyền bằng sáng chế “sẽ giá trị hơn”.