Tổ chức Y tế Thế giới nói cơ quan này dự tính sẽ có trong tay hàng trăm ngàn liều lượng vắc-xin chống Ebola trước tháng 6 năm 2015.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Sáu, Bà Marie-Paule Kieny thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng hai loại vắc-xin có triển vọng nhất đã được thử nghiệm lâm sàng, còn 5 loại vắc-xin đang trong vòng thử nghiệm đang được phát triển để được thử nghiệm lâm sàng trong năm tới.
Bà Kieny nói rằng các nước viện trợ đã cam kết sẽ tài trợ cho cuộc nghiên cứu. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Kieny nói rằng có tin tưởng rộng rãi “rằng tiền bạc không phải là một vấn đề” trong tiến trình phát triển một vắc-xin chống Ebola.
Hôm thứ Năm, một bác sĩ vừa chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Guinea đã trở thành người đầu tiên tại thành phố New York của Mỹ bị chẩn đoán là nhiễm virus Ebola.
Thị trưởng New York Bill de Blasio xác nhận trường hợp này vào chiều tối hôm qua, nói rằng Bác sĩ Craig Spencer đã được cách ly, và trấn an công chúng rằng không có lý do gì để lo lắng.
Thị trưởng New York nói "Ebola là một bệnh rất khó lây. Bệnh chỉ truyền qua tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh hoặc các chất dịch khác của cơ thể, chứ không truyền qua những tiếp xúc thông thường. Cho nên bất cứ cư dân New York nào không tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm, hoàn toàn không gặp nguy cơ nhiễm bệnh. "
Hôm thứ Năm, Bác sĩ Craig Spencer thông báo cho Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, một tổ chức thiện nguyện nơi ông làm việc, rằng ông bị sốt nặng, và cảm thấy buồn nôn, là hai triệu chứng của bệnh Ebola.
Các giới chức đang truy bất cứ ai có thể đã tiếp xúc với Bác sĩ Spencer. Ông là người thứ Tư được chẩn đoán nhiễm Ebola trên đất Mỹ, và người đầu tiên ở New York.
Trước đó hôm thứ Năm, Mali một nước ở Tây Phi, báo cáo ca Ebola đầu tiên tại nước này, trong một trường hợp mà nhiều người cảnh báo có thể là một bước lùi đáng kể trong các nỗ lực của Châu Phi nhằm kiềm hãm bệnh Ebola .
Bộ trưởng Y tế Mali Ousmane Kone cho biết bệnh nhân là một bé gái 2 tuổi đã được đưa đến một bệnh viện Mali, từ nước láng giềng Guinea.
Bộ trưởng Kone nói ông có thể cho biết, bệnh nhân là một bé gái hai tuổi đi cùng với bà ngoại. Có thể hai bà cháu đã đến Mali, vào lúc chưa phát hiện được các triệu chứng, và bệnh chỉ phát ra sau đó.
Bộ trưởng Y tế Mali cho biết tình trạng sức khoẻ của bé gái đã khá hơn, nhờ được điều trị nhanh chóng tại thị trấn Kayes ở Tây Mali.
Vụ bột phát dịch Ebola tập trung tại ba quốc gia ở Tây Phi – là Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Gần 4.900 người đã bị thiệt mạng- hầu như tất cả đều ở Tây Phi.
Cho tới nay, chỉ có vài trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ được báo cáo tại Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tuy vậy, các giới chức y tế của chính phủ Mỹ yêu cầu du khách đến từ Guinea, Liberia và Sierra Leone phải theo dõi sức khỏe trong 21 ngày và báo cáo hàng ngày với các sở y tế địa phương.