Đường dẫn truy cập

WHO: Không nên lo phóng xạ với thức ăn của Nhật


Các thanh tra thực phẩm Hồng Kông kiểm tra phóng xạ trong các loại rau nhập khẩu từ Nhật Bản
Các thanh tra thực phẩm Hồng Kông kiểm tra phóng xạ trong các loại rau nhập khẩu từ Nhật Bản

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết không cần thêm biện pháp phòng tránh nào về y tế để chống lại mức phóng xạ cao phát ra từ nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật. Lời khuyên được đưa ra sau khi chính quyền Nhật nâng hạng bậc nghiêm trọng của tai nạn tại nhà máy hạt nhân trên lên mức số 7.

WHO cho biết tình hình nghiêm trọng về sự phát tán phóng xạ của nhà máy hạt nhân là đáng lo ngại; tuy nhiên, liên quan đến sức khỏe công chúng, WHO nói rằng những bước phòng ngừa được đưa ra sau thiên tai giữa tháng 3 hãy còn tốt.

Bà Maria Neira, Giám đốc Y tế Công cộng và Môi trường của WHO nói không cần có thêm biện pháp nào mới:

“Những bước đã được đặt ra, liên quan đến đường bán kính phải sơ tán, tái định cư một số dân cư, phối hợp với việc cho uống những viên potassium iodine mà chính phủ Nhật đã nêu ra là thích đáng, cùng với các vấn đề về an toàn thực phẩm và kiểm tra, đại để như vậy... Các khuyến cáo đó vẫn còn giá trị.”

Mức số 7 được coi là mức trầm trọng nhất, trên cả tiêu chuẩn quốc tế là số 5. Số này tương đương với mức được đặt ra cho nhà máy Chernobyl vào năm 1986, từ lâu vẫn coi như là tai nạn hạt nhân tệ hại nhất lịch sử.

Nhưng bà Neira ghi nhận rằng hai tình huống và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe công chúng rất khác nhau. Một bên là một vụ nổ lớn đã gây ra tai nạn hạt nhân tại Chernobyl; còn trong trường hợp tại Nhật, phóng xạ phát ra từ nhà máy hạt nhân là hệ quả của hệ thống làm nguội của nhà máy, bị hư hại do động đất và sóng thần.

Một khác biệt quan trọng khác, vẫn theo bà Neira, là Chernobyl đã không chuẩn bị những biện pháp phòng tránh bảo vệ sinh mạng, như được áp dụng tại Nhật.

Tuy vậy, bà Neira nói rằng không nên đánh giá thấp mức nghiêm trọng của sự cố tại Fukushima. Bà cho biết tình hình vẫn còn đang tiến triển và những người và tổ chức có trách nhiệm về vấn đề hạt nhân cần liên tục đánh giá kỹ lưỡng những hệ quả xảy tới cho sức khỏe công chúng:

“Không may một điều là tình hình vẫn chưa trấn áp được. Chúng ta chưa biết cái gì có thể xảy ra. Vậy cho nên, rõ ràng là chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, và tiếp tục đề cao cảnh giác.”

Trong một vấn đề có liên quan, bà Neira nói là WHO chưa thấy cần thiết phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hoặc tiêu thụ thực phẩm xuất phát từ Nhật. Bà cho biết không có loại thực phẩm nào được nuôi trồng trong những khu vực có lây nhiễm, và bà cũng ghi nhận rằng chính phủ Nhật luôn thử nghiệm thực phẩm trước khi xuất khẩu để đảm bảo an toàn.

Bà không loại trừ khả năng phóng xạ có thể có trong một số thực phẩm, nhưng số lượng đó quá ít ỏi, một người phải dùng số lượng đó thật nhiều lần trong thời gian rất lâu mới gặp hậu quả không tốt.

Bà kết luận, những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm mà quốc tế đang áp dụng nên tiếp tục áp dụng đối với thực phẩm từ nước Nhật.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG