Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có 16 triệu người dưới 70 tuổi chết sớm mỗi năm vì những chứng bệnh không lây nhiễm. Một phúc trình mới kêu gọi hành động để giảm bớt những cái chết phần lớn có thể phòng ngừa được. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho Đài VOA từ Geneve.
Những chứng bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, chiếm 63 % số tử vong hàng năm. Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo có hàng triệu người chết yểu vì bốn loại bệnh chính: bệnh tim và phổi, đột quị, ung thư và tiểu đường.
WHO viện dẫn việc hút thuốc lá, uống rượu một cách nguy hiểm, ăn uống không lành mạnh và không hoạt động thể chất là 4 nguy cơ chính và nêu ra rằng theo đuổi một lối sống lành mạnh có thể giảm thiểu đáng kể các trường hợp chết yểu.
Bà Shanthi Mendis, tác giả chính của phúc trình, là điều phối viên của WHO đặc trách về phòng ngừa và quản lý các bệnh kinh niên. Bà gọi những chứng bệnh không lây nhiễm là một thảm hoạ về sức khoẻ của công chúng diễn biến từ từ. Bà nói:
“Mỗi năm, chúng ta mất 16 triệu người trong độ tuổi 30, 40, 50, 60 chứ không phải ở độ tuổi 80, và 90. Và mỗi năm chúng ta đang mất 38 triệu người vì các chứng bệnh không lây nhiễm … Trong số 16 triệu người chết dưới tuổi 70, đang trong tuổi sản xuất, 82% là ở những nước có lợi tức thấp và trung bình, không có khả năng thực sự giải quyết những vấn đề này.”
Vào năm 2013, Nghị hội Y tế Thế giới chấp thuận một “kế hoạch hành động toàn cầu” nhắm mục tiêu đến năm 2025 giảm bớt 1 phần tư con số những trường hợp chết yểu vì những chứng bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch bao gồm 9 mục tiêu tự nguyện toàn cầu để ngăn chặn những yếu tố rủi ro chính.
Phúc trình mô tả những đường đi được một vài nước áp dụng để thi hành một số những sách lược này. Chẳng hạn như phúc trình ghi nhận tỉ lệ hút thuốc lá tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 13% kể từ khi chính phủ gia tăng kích cỡ của những dấu hiệu cảnh báo trên các sản phẩm thuốc lá và tăng thuế.
Trong khi những tiến bộ này đáng khích lệ, WHO phát hiện là hầu hết các nước không đi đúng hướng để đạt mục tiêu năm 2025.
Bác sĩ Mendis nói nhiều sinh mạng có thể được cứu nếu các nước thi hành một số chiến lược ít tốn kém. Những chiến lược này gồm việc cấm tất cả các hình thức quảng cáo thuốc lá, thay thế chất béo bão hoà bằng chất béo không bão hoà, giới hạn hay cấm quảng cáo rượu và quảng bá việc ăn uống lành mạnh và các hoạt động về thể chất.
Bác sĩ Mendis nói với Đài VOA là một vấn đề nghiêm trọng khác nữa cần phải ngăn chận là trẻ em béo phì. Bà nói có 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi cân nặng quá mức bình thường và 5 triệu trẻ em béo phì. Bà nói việc này đáng sợ vì cách cư xử học được lúc còn trẻ tuổi có ảnh hưởng suốt đời. Bà giải thích:
“Béo phì góp phần vào nhiều trường hợp tử vong chính…Nếu bạn béo phì, bạn sẽ dễ bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, thấp khớp, ung thư trong số những chứng bệnh khác nữa. Do đó bạn sẽ mắc các chứng bệnh kinh niên sau này…Điều thực sự đáng báo động là trong vài năm qua, béo phì gia tăng gây tử vong nhiều nhất tại một số nước châu Phi. Mức tử vong hiện nay có thể thấp nhưng khuynh hướng gia tăng thật đáng kể tại các nước này.”
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết một đầu tư nhỏ tương đương với từ 1 đến 3 đô la mỗi đầu người, mỗi năm có thể giảm thiểu một cách đáng kể bệnh tật và tử vong của các chứng bệnh không truyền nhiễm. Trên toàn cầu. con số này lên đến 11,2 tỉ đô la một năm
Con số này nghe cĩ vẻ là nhiều cho đến khi so sánh với những chi phí “kinh doanh thường lệ” tại những nước có lợi tức thấp và trung bình. WHO ước lượng từ năm 2011 cho đến năm 2025, thiệt hại về kinh tế góp lại của những nước này do những chứng bệnh không lây nhiễm gây ra sẽ lên đến 7 ngàn tỉ đô la.