Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng hơn 213 quốc gia và các vùng lãnh thổ đã báo cáo gần 17.000 ca tử vong - được xác nhận tại các phòng thí nghiệm là do bệnh cúm heo và virút H1N1 gây ra. Theo tổ chức này, phần lớn các ca tử vong vừa kể xảy ra tại Bắc bán cầu.
Tuy nhiên, giờ đây dịch bệnh đang hoạt động mạnh hơn tại Nam bán cầu, và trong thời gian sắp tới, có phần chắc các ca tử vong sẽ diễn ra tại Nam bán cầu.
Cố vấn đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới về đại dịch cúm, ông Keiji Fukuda, nói rằng virút H1N1 đang hoạt động mạnh nhất tại các khu vực ở Đông Nam Á, Tây Phi và các vùng nhiệt đới trên lục địa Châu Mỹ.
Ông Fukuda nói Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại về những gì sẽ xảy ra khi Nam bán cầu bắt đầu đi vào mùa Đông. Ông nói:
“Rất nhiều nước Nam bán cầu là những nước có ít nguồn lực nhất và do đó, có ít khả năng đối phó với các cơn bộc phát quy mô lớn. Như quý vị biết đấy, các ca virút H1N1 ở một số khu vực Châu Phi, đặc biệt là Tây Phi, chỉ được phúc trình mới đây. Chúng tôi không thấy có báo cáo nào về hoạt động của dịch bệnh trong khu vực này trong năm 2009. Rõ ràng là các hoạt động ấy được báo cáo nhiều hơn trong năm 2010.”
Bác sĩ Fukuda nói một trọng tâm chủ yếu của Tổ chức Y tế Thế giới là gửi vắc-xin ngừa cúm heo đến các nước Nam bán cầu.
Theo lời ông thì trong số 95 nước nghèo cần được cung cấp vắc-xin, 25 nước đã nhận được vắc-xin. Ông lưu ý rằng một quan tâm khác là khả năng giám sát kém cỏi tại các nước đang phát triển. Ông giải thích:
“Theo tôi, điều đã rõ rệt là khả năng theo dõi bệnh có thể được cải thiện hơn nhiều. Khả năng này có thể được cải thiện tại Châu Phi, và một số nước khác. Đây là một mục tiêu quan trọng, chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực này trong vài năm tới, nhằm cải thiện các khả năng căn bản tại những nơi đó.”
Tổ chức Y tế Thế giới tường trình rằng hoạt động của bệnh cúm heo vẫn thay đổi tùy theo từng vùng ở phía nam sa mạc Sahara. Các dữ kiện cho thấy là các khu vực nơi các ca lây nhiễm xảy ra nhiều nhất vẫn là Tây Phi, và một số khu vực hạn chế ở Đông Phi, đặc biệt tại Rwanda.
Vẫn theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ghana và Senegal là hai nước nơi các ca lây nhiễm virút H1N1 được báo cáo nhiều nhất tại Tây Phi.
Bác sĩ Fukuda nói thế giới hiện nay đã được chuẩn bị sẵn sàng hơn so với quá khứ trong việc đối phó với các vụ bộc phát dịch cúm. Ông nói nhiều bài học quan trọng đã được rút tỉa từ kinh nghiệm thu thập được trong các vụ bộc phát đã xảy ra trước đây.
Một giới chức Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận đại dịch cúm heo do virút H1N1 gây ra dường như đã lên tới đỉnh điểm tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Giới chức này cho biết là tâm điểm của các hoạt động của virút H1N1 nay đã chuyển sang Châu Phi và các khu vực khác tại Nam bán cầu. Từ Genève, thông tín viên Lisa Schlein gửi về thêm các chi tiết sau đây.