Đường dẫn truy cập

WHO dự thảo kế hoạch 100 triệu đôla để phòng chống Ebola


Xe của quân cảnh Liberia với bảng cảnh báo về virút Ebola, chạy trên các đường phố ở Monrovia để ngăn ngừa sự hoảng sợ của dân chúng về dịch bệnh này, 1/8/14
Xe của quân cảnh Liberia với bảng cảnh báo về virút Ebola, chạy trên các đường phố ở Monrovia để ngăn ngừa sự hoảng sợ của dân chúng về dịch bệnh này, 1/8/14

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các nhà lãnh đạo của ba nước Tây Phi bị tác động của Ebola đang cùng khởi động một kế hoạch khẩn trương với kinh phí 100 triệu đôla để phòng chống căn bệnh gây chết người ở Conakry, Guinea. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quốc tế, khu vực và quốc gia được tăng cường để đưa vụ bột phát bệnh tai hại vào vòng kiểm soát. Các số liệu mới nhất của WHO cho thấy có 1.323 ca bệnh đã được xác nhận hay bị nghi ngờ, trong đó có 729 ca tử vong ở Guinea, Liberia và Sierra Leone kể từ tháng 3.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi mức độ của vụ bột phát Ebola đang diễn tiến là chưa từng có từ trước tới nay. Nhưng phát ngôn viên của WHO, ông Gregory Hartl nói với đài VOA rằng vụ bột phát này có thể còn tệ hại hơn so với những gì các số liệu cho thấy:

“Có thể có những ca bệnh trong cộng đồng mà chúng ta bỏ qua bởi vì đây từng là một trong những khó khăn lớn nhất về mặt theo dõi các sự tiếp xúc. Mọi người né tránh. Họ không muốn được điều trị ở các trung tâm y tế. Họ sợ hãi hoặc không tin rằng các trung tâm y tế có thể giúp ích gì cho họ, vì thế họ tìm cách để được gia đình chữa trị và họ đau ốm rồi chết trong gia đình.”

Ông Hartl nói các yếu tố chủ chốt của kế hoạch khẩn trương là ngăn chặn sự lây truyền virut Ebola và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh qua các nước láng giềng có rủi ro bằng cách củng cố và tăng cường tất cả các biện pháp kiểm soát và đáp ứng.

Ông gọi đây là một công tác vĩ đại và cho biết có thêm 600 người cần được đưa đến hiện trường để thực hiện công tác:

“Thách thức lớn nhất của vụ bột phát này là sự kiện có quá nhiều trung tâm truyền bệnh khác nhau. Và tại mọi trung tâm truyền bệnh, ta cần có một toán đầy đủ các chuyên gia lâm sàng, các chuyên gia kiểm soát lây nhiễm, các nhà phụ trách hậu cần, các nhân viên phòng thí nghiệm, những người truyền thông cộng đồng, các nhà dịch tễ học theo dõi những vụ tiếp xúc.”

Phát ngôn viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ, ông Benoit Carpentier, nói việc nhận diện những người bị nhiễm Ebola và theo dõi những người đã tiếp xúc với họ là một công tác to lớn:

“Nếu một người bị lây nhiễm tiếp xúc với 20 người khác, thì ta có 20 người cần phải theo dõi trong 21 ngày. Và nếu 20 người này lại tiếp xúc với 20 người khác – quý vị thấy sự thể nhân nhanh biết bao.”

Ebaola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Virut lây lan qua tiếp xúc với máu hay các dịch chất của người nhiễm bệnh. Không có cách chữa khỏi và tỷ lệ tử vong có thể cao tới 90 phần trăm. Nhưng, các giới chức y tế nhấn mạnh rằng những người tìm cách chữa trị tại một chẩn y viện ngay khi bị ốm có cơ may sống sót tốt hơn.

Các triệu chứng ban đầu giống như bị cúm có thể dẫn tới việc xuất huyết ngoại từ những vùng như mắt và nướu răng, và xuất huyết nội có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan không hoạt động được nữa.

Khoảng 2.400 người tình nguyện thuộc Liên đoàn Chữ Thập Ðỏ đã làm việc tại 3 nước bị nhiễm bệnh kể từ khi dịch Ebola bắt đầu. Ông Carpentier nói đây là một thông điệp hy vọng mà các tình nguyện viên Chữ Thập Ðỏ đang tìm cách truyền đạt:

“Chúng ta có một thí dụ rất tốt về một người ở Guinea bị nhiễm bệnh và sống sót và nay đang là một tình nguyện viên Chữ Thập Ðỏ và đi từ cộng đồng này sang cộng đồng khác để truyền đạt các thông điệp này, về niềm hy vọng.”

Các nhà lãnh đạo Tây Phi thoạt đầu đã phản ứng chậm đối với vụ bột phát. Nay họ đang tiến hành các biện pháp khác thường để kiềm chế dịch bệnh. Liberia đã đóng cửa các trường học, ra lệnh cho công nhân viên chức không cấp thiết ở nhà và đóng cửa biên giới. Sierra Leone đã công bố tình trạng khẩn tương và huy động binh sĩ để cách ly các nạn nhân Ebola.

Ông Gregory Hartl của Tổ chức Y tế Thế giới nói còn quá sớm để biết liệu các biện pháp này có đem lại thành quả hay không:

“Nhưng, chắc chắn là điều rất tốt khi các nước này suy tính theo đúng thực tế là cần phải làm một điều gì khác thường … Tôi nghĩ điều chúng ta cần làm là cứu xét bất cứ và mọi biện pháp, được tiến hành dưới ánh sáng là chúng sẽ giúp đưa vụ bột phát vào vòng kiểm soát.”

Một công dân Hoa Kỳ đã chết vì Ebola ở Nigeria sau khi bị nhiễm bệnh ở Liberia. Giới hữu trách y tế đang cảnh báo chớ nên du hành đến Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới không ủng hộ một lệnh cấm du hành.

WHO cũng khuyến cáo chống lại việc đóng cửa biên giới vì cho rằng việc này có thể có ích, nhưng không phải là không có sơ hở. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc nói cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Ebola và ngăn chặn vụ bột phát là tiến hành các biện pháp cần thiết ở ngay nguồn gốc gây lây nhiễm.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG