Đường dẫn truy cập

WeChat: ‘Không lưu trữ lịch sử thông tin của người dùng’


Biểu tượng ứng dụng WeChat tại Bắc Kinh.
Biểu tượng ứng dụng WeChat tại Bắc Kinh.

Tập đoàn Tencent Holdings, WeChat, một ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất tại Trung Quốc, hôm thứ Ba 2/1 bác bỏ cáo buộc cho rằng ứng dụng này lưu trữ các cuộc trò chuyện của người sử dụng, sau khi báo chí Trung Quốc dẫn lời một thương gia hàng đầu nói ông tin rằng Tencent theo dõi tài khoản của tất cả mọi người.

Hãng tin Reuters trích tuyên bố của WeChat tải lên mạng xã hội, quả quyết:

“WeChat không lưu trữ lịch sử cuộc trò chuyện nào của bất kỳ người sử dụng nào. Nội dung chỉ được lưu trữ trong điện thoại di động, máy tính và các thiết bị đầu cuối khác của người sử dụng”.

Thông báo của tập đoàn WeChat còn khẳng định:

“WeChat sẽ không sử dụng bất kỳ nội dung nào từ cuộc trò chuyện nào của người dùng cho việc phân tích các dữ liệu lớn. Bởi vì mô hình kỹ thuật của WeChat không lưu trữ hoặc phân tích các cuộc trò chuyện, tin đồn cho rằng ‘chúng tôi đang theo dõi WeChat của các bạn hàng ngày chỉ là sự hiểu lầm”.

Trước đó một ngày, ông Li Shufu, Chủ tịch Geely Holdings, chủ sở hữu thương hiệu xe Volvo, được báo chí Trung Quốc dẫn lời nói rằng Chủ tịch Tencent Ma Huateng “chắc hẳn là theo dõi tất cả các WeChat của chúng ta mỗi ngày”.

Cũng như tất cả các mạng xã hội ở Trung Quốc, WeChat được yêu cầu kiểm duyệt các tin nhắn công khai nào bị Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là “trái phép”. Trong chính sách bảo mật, WeChat khuyến cáo tập đoàn này có thể cần lưu giữ và tiết lộ thông tin của người dùng để đáp ứng yêu cầu của giới thẩm quyền, cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan tương tự.

Tổ chức Ân xá Quốc tế xếp hạng Tencent vào hạng dưới cùng trong số 11 công ty công nghệ sở hữu các ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất thế giới về cách sử dụng mã hóa để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Hồi tháng 9, cơ quan giám sát mạng của Trung Quốc công bố quy định mới, buộc các quản trị viên và công ty chuyên về dịch vụ WeChat phải chịu trách nhiệm về những vi phạm về nội dung.

Cũng trong tháng 9, Trung Quốc đã ra biện pháp trừng phạt tới mức tối đa các công ty công nghệ như Tencent, Baidu và Weibo vì đã không kiểm duyệt nội dung trực tuyến, đồng thời yêu cầu các công ty này phải tăng cường các biện pháp kiểm duyệt nội dung.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG