Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tiếp cận được với nguồn nước là điều quan yếu cho sức khỏe và phát triển xã hội, đồng thời một phúc trình mới của cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo về những nguy cơ bất ổn từ những thách thức trong vấn đề nguồn nước trong thập niên tới đây.
Hôm thứ Năm tại Washington, cũng là ngày Nước Thế giới 2012, Ngoại trưởng Clinton đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc có sẵn nguồn nước. Bà nói:
“Kiếm được nước là điều thiết yếu để nuôi sống gia đình, điều hành các công nghiệp để tạo công ăn việc làm, tạo ra năng lực giúp đất nước phát triển, và là trọng tâm của vấn đề khi chúng ta nghĩ tới tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng các thế hệ tương lai như thế nào.’
Bà nói có được nước sạch cũng mang ý nghĩa rất lớn trong lãnh vực y tế. Bà nói tiếp:
“Khi gần 2 triệu người chết mỗi năm do những chứng bệnh có thể phòng tránh do nước bẩn gây ra, nước sạch rất quan trọng nếu bàn đến chuyện hoàn thành các mục tiêu y tế thế giới. Điều hết sức đơn giản, như có được nước sạch và các phương tiện vệ sinh, có thể cải thiện phẩm chất cuộc sống và hạ giảm gánh nặng bệnh hoạn cho hàng tỉ người.”
Bà Clinton nêu lên rằng vấn đề này chính là quan ngại chung của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, nơi bà nói có những khó khăn ngày càng gia tăng trong việc đáp ứng những nhu cầu ngay trong nước tại vùng sa mạc Tây Nam hay đối phó nạn lụt ở miền Đông.
Trong khi đó, một phúc trình của Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ nói rằng trong thập niên tới, nhiều khu vực trên khắp thế giới sẽ phải trải qua những thách thức về vấn đề nguồn nước; điều này sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn và thất bại trong việc điều hành của các quốc gia.
Phúc trình lượng định của Cộng đồng Tình báo cho biết những thách thức về nước sẽ gia tăng căng thẳng trong các khu vực và khiến các nước chia trí, khó cộng tác với Hoa Kỳ để tìm cách giải quyết các vấn đề quan trọng khác.
Mục đích của phúc trình là đánh giá tác động của vấn đề nước trên toàn cầu đối với các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ trong vòng 30 năm tới.
Vẫn theo phúc trình trên, những khu vực bị tác động nhiều nhất là Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.