Đường dẫn truy cập

Washington lo sợ các mạng lưới khủng bố đã bám rễ ở Mỹ


Các nhân viên cảnh sát đứng trước nhà của Nicholas Young, một cảnh sát bảo vệ hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Washington D.C, ngày 3 tháng 8 năm 2016.
Các nhân viên cảnh sát đứng trước nhà của Nicholas Young, một cảnh sát bảo vệ hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Washington D.C, ngày 3 tháng 8 năm 2016.

Sau nhiều năm hoạt động bí mật, Hoa Kỳ đã khởi sự vén bức màng để phơi ra ánh sáng những mạng lưới những kẻ khủng bố tiềm tàng gồm những thành viên liên kết với nhau một cách lỏng lẻo, nhưng dường như đã bám rễ sâu tại Mỹ, hỗ trợ cho nhau dù cho trong nhiều trường hợp, nhiều người sẵn sàng hành động một cách đơn độc.

Càng làm tăng thêm quan ngại, các mạng lưới và những sự liên kết phức tạp, hỗ trợ lẫn nhau đã hiện diện trong nhiều năm, vượt qua đường ranh ý thức hệ phân cách nhóm khủng bố này với một nhóm khủng bố khác.

Theo một giới chức thực thi công lực quen thuộc với một trong các trường hợp gần đây nhất thì Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ-FBI ngày càng thấy sự hiện diện các mạng lưới khủng bố như vậy.

Nói chuyện với VOA với điều kiện danh tính được giữ kín, giới chức này nói điều rõ rệt là “tất cả các hoạt động đó đã có trước Nhà Nước Hồi giáo.”

Những quan tâm về nguy cơ khủng bố tiềm tàng đã vươn lên tới tận Toà Bạch Ốc. Sau một cuộc họp với các giới chức an ninh nội địa chiều tối thứ Năm tuần này ở Ngũ Giác Đài, Tổng Thống Obama nói: “Điều có thể nghĩ tới là có một số mạng lưới khủng bố như vậy đã ở đây có thể được kích hoạt.”

Ông nói thêm, “chúng ta phải làm tốt hơn công tác phá vỡ các mạng lưới ấy.”

Tuy vậy, các giới chức chống khủng bố cảnh báo rằng những lời hứa hẹn rất khó thực hiện, bởi vì những gì liên kết các mạng lưới ấy với nhau không thể bị phá vỡ chỉ bằng cách giải tán một nhóm khủng bố duy nhất.

Ông Seamus Hughes, Phó Giám đốc Chương trình về Chủ nghĩa Cực đoan tại trường Đại học George Washington nói rằng những sự khác biệt giữa nhóm al-Nusra và Nhà Nước Hồi giáo, cũng như với al-Qaida và al-Shabab, khó thấy được dưới con mắt của người thường, và đằng sau là những nền tảng ý thức hệ đã động viên những người đó.

Theo các nhà nghiên cứu, trong nhiều trường hợp đối với các thành viên của các nhóm đó, là sự sẵn sàng dùng bạo lực để lắp đầy những khoảng trống trong cuộc sống của họ.

Ông Hughes, trước đây làm việc tại Trung tâm Quốc gia Chống Khủng bố, nói :“Nếu như ngày mai Nhà Nước Hồi giáo bị tiêu diệt thì các nhóm khác sẽ xuất hiện, với những cá nhân đã chuẩn bị sẵn. Họ sẽ bám lấy ngay tổ chức khủng bố nước ngoài kế tiếp.”

Có lẽ không có trường hợp nào nêu bật mối nguy hơn là trường hợp của Nicholas Young, 36 tuổi, một nhân viên cảnh sát hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Washington. Young đến từ bang Virginia và bị bắt hồi tuần trước về âm mưu hỗ trợ cho Nhà Nước Hồi giáo thủ đắc các tài khoản tin nhắn điện thoại di động với mục đích tuyển mộ thành viên.

Vụ bắt giữ Young là cao điểm của nhiều năm hoạt động bí mật của các cơ quan thi hành công lực Mỹ, khởi sự từ cuối năm 2010, khi các nhân viên FBI thẩm vấn Young về một người quen của nghi can này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG