Do tính chất tự phân hủy của thủy ngân theo thời gian nên sẽ có lúc toàn bộ lượng thủy ngân bị phát tán ra môi trường trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông ở Hà Nội sẽ không còn nữa và môi trường ở khu vực này sẽ trở lại bình thường, nhưng những vật liệu trong nhà máy đã cháy cần phải xử lý thanh lọc bằng phương pháp hóa học ‘chứ không thể để tự phân hủy’ làm lây lan sự ô nhiễm, một nhà nghiên cứu môi trường nói với VOA.
Trong vụ cháy lớn ngày 28/8 tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ở phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lãnh đạo công ty này thừa nhận gần 500.000 bóng đèn bị cháy của họ có sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao, báo chí trong nước đưa tin.
Ông Hoàng Văn Thức, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, được trang mạng VnExpress dẫn lời cho biết ước tính ‘có từ 15 đến 27 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường’.
Tình trạng ô nhiễm thủy ngân ở khu vực xung quanh nhà máy Rạng Đông đã gây lo ngại và làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây, vốn là một khu dân cư sầm uất ở thủ đô Hà Nội, cũng theo báo chí trong nước.
‘Dễ thẩm thấu’
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, nhà nghiên cứu môi trường ở Houston, bang Texas, Mỹ, nhận định vụ rò rỉ thủy ngân này ‘rất ảnh hưởng về môi trường’.
“Do thủy ngân có tính thăng hoa rất cao nên khi bị cháy ở nhiệt độ như vậy, toàn bộ thủy ngân trong nhà máy đã đi vào không khí, sau đó có thể thấm vào cơ thể con người, vào trong lòng đất và nguồn nước,” ông cảnh báo.
“Do tính chất thăng hoa nên thủy ngân xâm nhập vào máu, qua da rất nhanh,” ông nói thêm.
Ông Truyết giải thích rằng sau khi đi vào cơ thể con người thông qua con đường da, thủy ngân ‘sẽ đi thẳng vào các tế bào máu và các bộ phận khác trong cơ thể mà trong đó não là nơi tích tụ thủy ngân nhiều nhất’.
“Khi cơ thể đột ngột hấp thụ thủy ngân nhiều quá, nhất là ở phổi, thì có thể dẫn đến tử vong,” ông cho biết. “Còn nếu tiếp nhiễm mãn tính trong thời gian dài thì nồng độ thủy ngân tích tụ đến mức có thể gây ra các triệu chứng từ ói mửa cho đến tử vong.”
Ông nói lượng thủy ngân phát tán ra môi trường theo thông báo của nhà chức trách Việt Nam là ‘nghiêm trọng’ vì ‘cao gấp 30 lần giới hạn cho phép’. Ông dẫn tiêu chuẩn cho phép của EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) là ‘2 đến 10 phần tỷ trong 1 mét khối không khí và 0,5 phần triệu trong một lít nước’.
Do đó, ông khuyến nghị là trong giai đoạn này tất cả những hoa quả, rau củ được trồng trong phạm vi bán kính 1,5 km xung quanh nhà máy Rạng Đông ‘phải bị tiêu hủy’.
‘Sẽ tự phân hủy’
Ông Truyết cũng cho biết thủy ngân là kim loại dạng lỏng, có thể tự phân hủy một nửa (bán hủy) trong vòng 30 ngày. Tức là cứ mỗi 30 ngày, lượng thủy ngân tích tụ trong môi trường sẽ giảm đi một nửa. Cứ như thế đến lúc toàn bộ thủy ngân sẽ phân hủy hoàn toàn.
Còn trong môi trường nước, nồng độ thủy ngân sẽ giảm đi trong điều kiện có mưa hay dòng nước luân lưu làm loãng đi, ông nói thêm.
Khi được hỏi nếu như vậy thì không xử lý gì hết mà cứ đợi thì có phải môi trường xung quanh nhà máy Rạng Đông sẽ trở lại như cũ hay không, ông Truyết khẳng định là ‘đúng như vậy’ nhưng chỉ đối với không khí và đối với môi trường nước nếu có mưa hay dòng nước luân lưu làm loãng đi.
“Đối với những vật liệu trong nhà máy đã cháy rồi thì cần phải xử lý thanh lọc chứ không thể để tự phân hủy,” ông nói. “Sự ô nhiễm theo đó sẽ lây lan, cho nên cần xử lý bằng phương pháp hóa học.”
Theo lời ông Truyết thì trên bãi đất đã bị cháy trụi của nhà máy Rạng Đông, theo nguyên tắc ‘phải lấy mẫu đất sâu 1 feet (trên 30cm) và 3 feet (trên 91cm) lần lượt vào ngày 1, ngày 10… để xét nghiệm hàm lượng thủy ngân cho đến ngày nào hàm lượng thủy ngân nằm dưới định mức cho phép thì có thể tạm gọi là an toàn để cho nhà máy hoạt động trở lại’.
‘Nhốt thủy ngân’
Về giải pháp xử lý thủy ngân rò rỉ, từ kinh nghiệm làm việc ở Mỹ, ông Truyết cho rằng phương pháp được EPA cho phép là ‘khu trú, bọc nhốt thủy ngân trong khối xi măng lớn với một số hóa chất đặc biệt khác’ (micro-encapsulation).
Ông nói đây là cách làm khó và tốn kém ‘nhưng vẫn phải làm’ vì ‘nếu để thủy ngân rò rỉ ra nguồn nước, vào ruộng đất, vào cây trồng, thực phẩm thì thiệt hại cho sức khỏe của người dân còn lớn hơn’.
Vẫn theo chuyên gia này, lẽ ra Việt Nam không nên để cho nhà máy có hóa chất độc hại như Rạng Đông hoạt động ngay giữa một khu dân cư đông đúc.
“Trong suốt 30 năm qua tôi luôn nói là trong việc phát triển kỹ nghệ, Việt Nam cần phải lưu tâm không để các nhà máy hóa chất độc hại tập trung ở các khu dân cư và vùng nông nghiệp nữa mà phải khoanh vùng một hệ thống các nhà máy có thể xử lý phế phẩm của nhau,” ông nói và cho rằng việc để nhà máy độc hại ở khu dân cư ở Việt Nam là ‘việc làm thiếu tính toán nên một khi có tai nạn về môi trường thì rất ảnh hưởng đến người dân’.
“Chưa thấy ở Mỹ có nhà máy nguy hiểm như vậy mà đặt ở trung tâm thành phố,” vẫn theo lời Tiến sĩ Truyết.
Ông nói ở thành phố Hồ Chí Minh ‘mặc dù có khuyến cáo nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở lớn, nhỏ, trung bình dính líu đến hóa chất vẫn không được di dời’ và đề nghị ‘trong tương lai chính quyền Việt Nam phải giải quyết vấn đề này để bảo vệ sức khỏe cho người dân.’
Ông cũng chỉ trích cách xử lý ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ của chính quyền thành phố Hà Nội sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, khi các cơ quan chức năng đưa ra thông tin trái ngược nhau gây hoang mang cho dân.
“Đáng lẽ ngay sau khi bị cháy thì họ phải lấy mẫu đi phân tích trước, vậy mà phải đợi đến 8 ngày sau mới lấy mẫu,” Tiến sĩ Mai Thanh Truyết bức xúc.
Ông cho rằng chính quyền lẽ ra ‘phải di dời người dân ngay tức khắc’ vì ‘số lượng lớn thủy ngân phát tán ra không khí là tai nạn nghiêm trọng’ và ‘người dân có thể hấp thụ gấp trăm, gấp ngàn lần lượng thủy ngân được phép hấp thụ’.
Nhà nghiên cứu môi trường này đề nghị ‘cô lập khu nhà máy có chứa thủy ngân để tránh liên lụy về sau’ và Việt Nam ‘cần tìm đến sự giúp đỡ của WHO, Oxfam’ vì ‘vấn đề xử lý thủy ngân vượt quá tầm tay của cơ quan môi trường Việt Nam’.
Hiện nay, báo chí trong nước đưa tin Binh chủng Hóa học của Bộ Quốc phòng đang tiến hành ‘tiêu độc’ khu vực bị nhiễm thủy ngân, nhưng không cho biết rõ là làm cách nào.
Về các xử lý khu đất bị cháy của nhà máy Rạng Đông, ông Truyết cho rằng ‘tối ưu nhất là xây công viên’ vì một số loại cây như cây bạch đàn, ‘có khả năng hút hóa chất độc hại như thủy ngân’.