Đường dẫn truy cập

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà: dân Trung Quốc người chia sẻ, kẻ hả hê


Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn
Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn

Ngọn lửa bao trùm lấy Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 15/4 đã khiến thế giới tràn ngập những lời chia sẻ và đau buồn với người dân Pháp, nhưng một số cư dân mạng Trung Quốc nhân cơ hội này để nhắc đến một nỗi đau lịch sử mà lâu nay người dân Trung Quốc vẫn mang trong lòng.

Trong chiến tranh nha phiến lần thứ hai vào tháng 10 năm 1860, quân đội Anh và Pháp đã tiến vào Viên Minh Viên (Khu vườn Hoàn hảo và Tươi sáng) vốn là cung điện nghỉ mát của các Hoàng đế nhà Thanh ở Bắc Kinh và đã đốt phá nó trơ trụi để trả thù cho vụ tra tấn và hành hình hai sứ giả người Anh và quân đội Anh-Ấn theo hộ tống họ.

Sau hành vi đốt phá đó, quân Anh và Pháp cướp bóc tràn lan các báu vật trong vườn.

Viên Minh Viên được xem là nơi có những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc đẹp nhất của Trung Quốc và việc đốt phá cung điện này lâu nay vẫn được nhiều người Trung Quốc xem là vết thương nhục nhã.

“Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy đau buồn khi một công trình kiến trúc trên 800 tuổi phát hỏa và đó là mất mát cho toàn thể nhân loại,” tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một người viết trên mạng xã hội Weibo, “Nhưng tôi thấy khó mà cảm thông với người dân Pháp.”

“Vụ hỏa hoạn này gợi tôi nhớ lại Viên Minh Viên bị liên quân Anh-Pháp đốt thành tro bụi mà cung điện đó còn quý giá hơn Nhà thờ Đức Bà. Đời có luật nhân quả và luật Trời không chừa một ai,” người này, có danh xưng là ‘minister of martial orders’, có nghĩa là ‘quan nắm quân lệnh’, bình luận trên Weibo.

Dòng chia sẻ này được 23.000 lượt thích và 7.500 lượt bình luận.

Một người dùng Internet khác thì chua chát hơn: “Cho đáng đời họ… họ có vui không khi họ đốt sạch Viên Minh Viên? Tôi không thông cảm được mà chỉ có thể thốt lên rằng ‘Đáng!’.”

Ngay cả Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước Trung Quốc, cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Họ đã đăng một bài xã luận trên trang mạng của mình trong đó so sánh vụ cháy Nhà thờ Đức Bà với vụ phóng hỏa thiêu trụi Viên Minh Viên.

“Nhân dân Trung Quốc cảm thông với cảm giác đau đớn của người dân Pháp trước bảo vật bị mất mát. Hôm nay, khi cả thế giới khóc thương khi đỉnh chóp nhọn của Nhà thờ Đức Bà sụp đổ, xin đừng quên rằng sau khi Viên Minh Viên bị cướp bóc và đốt phá một trăm năm trước đây, người dân Trung Quốc chỉ đau khổ một mình,” bài bình luận này, vốn sau đó đã bị dỡ khỏi trang, viết.

Tuy nhiên, đa số người dùng ở Trung Quốc bày tỏ sự bàng hoàng với trận hỏa hoạn và họ đã đăng hình ảnh của họ chụp với Nhà thờ Đức Bà với hashtag (tức ‘chữ đánh dấu’) ‘Notre Dame de Paris and me’ (tức Nhà thờ Đức Bà Paris và tôi) để bày tỏ nỗi đau buồn và tiếc thương.

“Quasimodo đã mất người tình Esmeralda, giờ đây chàng còn mất luôn ngôi nhà,” một công dân mạng Trung Quốc viết trên Weibo được tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lại.

“Tim tôi tan nát. Đây là mất mát to lớn cho toàn thể nhân loại,” một người khác viết.

Tin tức về vụ cháy nhanh chóng trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc với trên 830 triệu lượt xem và vô số hình ảnh được đăng tải.

Mặc dù đa số người dân Trung Quốc chưa từng đặt chân đến Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình này có một vị trí quan trọng trong trái tim của nhiều người Trung Quốc do sức lan tỏa của tiểu thuyết ‘Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà’ của đại văn hào Victor Hugo, người nổi tiếng ở Trung Quốc với lập trường bảo vệ những di tích lịch sử và sự phản đối của ông trước việc cướp bóc và đốt phá Viên Minh Viên của liên quân Anh-Pháp. Cuốn tiểu thuyết này được xem là kiệt tác ‘nhất thiết phải đọc’ của học sinh trung học Trung Quốc và là cánh cửa để người dân Trung Quốc tìm hiểu về văn hóa Pháp.

“Khi tôi đọc những dòng mô tả của Victor Hugo về nhà thờ tráng lệ này ở trung học, tôi đã say mê phong cách Gothic và cảm giác định mệnh của nó. Tôi muốn đến xem nơi Quasimodo đã rung chuông nhưng giờ đây chỉ còn là sự tiếc nuối,” một người xưng tên là ‘Handsome Jiangnao’ viết trên Weibo.

Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã kêu gọi công dân mạng của họ bỏ qua quá khứ.

“Trận hỏa hoạn không chỉ là thảm họa của nước Pháp mà còn là mất mát của nhân loại. Thật là suy nghĩ hẹp hòi và thảm hại khi trút oán hờn lên một nạn nhân vô tội. Chúng ta nên ghi nhớ nỗi nhục nhưng hãy bỏ qua thù hận,” bài bình luận trên trang mạng của CCTV viết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hòa cùng nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG