Đường dẫn truy cập

Vụ 42 người trốn chạy khỏi casino: Việt Nam, Campuchia bắt người


Những người chạy trốn đang được dân địa phương ở biên giới dùng vỏ lãi cứu
Những người chạy trốn đang được dân địa phương ở biên giới dùng vỏ lãi cứu

Việt Nam khởi tố hai đối tượng bị cáo buộc đưa người vượt biên trái phép để làm việc trong các sòng bạc, trong khi Campuchia bắt giữ một người Trung Quốc là viên quản lý của sòng bạc nơi hơn 40 người Việt tháo chạy để bỏ trốn về nước cuối tuần trước.

Theo thông tin từ báo chí trong nước, tổng cộng có 42 người Việt Nam đã tháo chạy khỏi một sòng bạc ở tỉnh Kandal, Campuchia, hôm 18/8. Trong số đó, một người bị bắt lại, một thiếu niên 17 tuổi chết đuối, 40 người còn lại đã bơi vượt sông Bình Di phân cách biên giới để vượt biên về Việt Nam.

Báo chí Việt Nam xác định sòng bạc này là Casino Rich World trong khi tờ Khmer Times của Campuchia nêu tên sòng bạc là Golden Phoenix Entertainment Casino ở xã Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal.

Bộ đội Biên phòng An Giang đã bắt 40 người này, bao gồm 35 nam, 5 nữ, sau khi họ bơi về được đến Việt Nam. Hiện tại, họ đã được bố trí nơi ăn nghỉ ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, báo Người Lao Động cho biết.

‘Buôn người’

Chiều ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh An Giang, khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam 2 bị can là Nguyễn Thị Lệ, 42 tuổi, và Lê Văn Danh, 34 tuổi,về tội ‘Tổ chức vượt biên trái phép’.

Hai người này, đều cư trú ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, bị cáo buộc tìm người trong nước, móc nối, tổ chức cho họ vượt biên trái phép theo yêu cầu của đường dây ở Campuchia từ đầu năm 2022.

Mỗi người được đưa thành công sang Campuchia thì Lệ được trả 300.000 đồng, trong đó bà ta chia lại cho Danh 100.000 đồng. Trong số 42 người chạy trốn khỏi casino, có 6 người được Lệ và Danh đưa sang, cũng theo Người Lao Động. Hiện công an Việt Nam đang điều tra vụ việc theo hướng buôn người.

Về phía Campuchia, giới chức nước này đã bắt giữ người quản lý casino vốn là công dân Trung Quốc để điều tra về hành vi cưỡng bức lao động, tờ Khmer Times cho biết.

Những người trốn chạy về Việt Nam, vốn đến từ nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và đa số vượt biên trái phép, cho biết họ đã bị chủ sòng bạc ‘ép buộc làm việc quá sức, không được nghỉ ngơi, bị quịt lương’ nên họ cùng nhau bàn bạc tìm cách bỏ trốn.

Người quản lý Trung Quốc không được Khmer Times nêu tên này đã thừa nhận hành vi cưỡng bức lao động, cũng theo tờ báo này, nhưng nói rằng những người chạy trốn ‘đang nợ tiền công ty’.

Tờ báo này dẫn lời Keo Vannthan, phát ngôn nhân Cục Di trú Campuchia, cho biết qua thẩm vấn một số người Việt làm việc tại casino cho biết họ chỉ được trả từ 400 đến 500 đô la một tháng trong khi họ được hứa sẽ nhận được gấp đôi số tiền đó.

Những người này nói họ bị ‘lường gạt đưa vào làm việc ở các casino’ với điều kiện làm việc ‘cực kỳ tệ’.

‘Như trên phim’

Vụ trốn thoát khỏi casino của 42 người Việt đã được ‘trù tính kỹ lưỡng như trên phim’, cũng theo Khmer Times, vì sòng bạc được canh gác bởi những vệ sỹ lực lưỡng được trang bị dùi cui để ‘đập vào đầu’ những ai muốn bỏ trốn.

Họ đã mất hai đêm để lên kế hoạch, chọn thời điểm buổi sáng khi casino mở cửa và chỉ có 7-8 bảo vệ canh cửa.

Họ thực hiện kế hoạch vào lúc 10h sáng ngày 18/8. Nam giới mạnh khoẻ đi trước để đánh nhau với bảo vệ, mở đường cho những người phụ nữ tháo chạy. Một nhóm nam giới khác bọc hậu để ném bom xăng tự chế.

“Lúc đầu lực lượng bảo vệ sòng bạc bị bất ngờ, nhưng chỉ chốc lát những bảo vệ lực lưỡng cầm roi sắt được triển khai để truy đuổi những người bỏ chạy thoát thân,” tờ báo này dẫn lời một phụ nữ tháo chạy kể lại.

Trừ một người bị bắt lại, toàn bộ những người còn lại nhảy xuống sông, trong đó có cả người không biết bơi nhưng được những người khác trong nhóm giúp đưa vào bờ.

Trang mạng dẫn lời cô Đoàn Thị Ngọc Diệp, 20 tuổi, một nạn nhân trong nhóm 42 người, cho biết tại casino mà cô làm việc, vào ban đêm ‘không ai ngủ được’.

Cô Diệp cho biết vợ chồng cô bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo công việc trên Facebook với mức lương lên đến 25 triệu đồng một tháng, cao gấp bốn lần mức lương công việc trước đây của cô.

“Phía môi giới nói công việc là làm trên máy tính trong phòng có máy lạnh”, cô kể với VnExpress và cho biết nghe theo hướng dẫn của môi giới, bắt năm chuyến xe đò đi trong ba ngày để tới Campuchia.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/8 đã đề nghị phía Campuchia hỗ trợ điều tra nguyên nhân 42 người Việt chạy khỏi casino ở tỉnh Kandal và phối hợp tìm kiếm người mất tích.

Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng ngày 19/8 cho biết nước này đang rà soát trên toàn quốc những người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia để tìm kiếm nạn nhân buôn người.

Ở Việt Nam gần đây đã rộ lên tình trạng nhiều người bị lừa sang Campuchia với lời mời gọi ‘việc nhẹ lương cao’ nhưng cuối cùng bị đưa vào các sòng bạc hay các nơi kinh doanh tiền ảo và bị bóc lột sức lao động.

VnExpress dẫn lời Bộ Công an Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, họ đã phối hợp với phía Campuchia giải cứu được hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG