Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của thế giới nhiều nhất trong mấy tuần lễ vừa qua là làn sóng tị nạn từ Syria, Iraq và một số quốc gia khác ở Trung Đông tràn đến châu Âu.
Thật ra, hiện tượng người Trung Đông vượt biên để tránh những hậu quả khốc liệt của các cuộc nội chiến đẫm máu trong nước họ không phải là điều gì mới mẻ. Chỉ riêng tại Syria, trong hơn bốn năm vừa qua, đã có trên bốn triệu người vượt biên để tị nạn tại các quốc gia láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ (gần 2 triệu), Lebanon (trên 1 triệu), Jordan (trên 600.000), Ai Cập (hơn 130.000). Oái oăm nhất là, bị đẩy vào đường cùng, hơn 250.000 người Syria chạy cả sang Iraq, nơi cũng đang có nội chiến như nước họ. Tuy nhiên, làn sóng tị nạn ấy chỉ thực sự đánh động dư luận khi, gần đây, cả hàng triệu người tràn đến châu Âu, đặc biệt là Áo và Đức. Người ta xem đó là cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng tị nạn ấy tương đối dễ thấy: Một là những cuộc nội chiến tàn khốc ở quốc gia họ; hai là, sự đe doạ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn vô cùng tàn bạo, đặc biệt với những người không phải tín đồ của Hồi giáo. Trong bài này, thay vì đi sâu vào các nguyên nhân ấy, tôi chỉ tập trung vào những phản ứng của thế giới trước làn sóng tị nạn. Trừ nước Áo và đặc biệt, nước Đức vốn rất hào hiệp khi tuyên bố có thể nhận đến 800.000 người tị nạn (trên thực tế họ đã nhận gần nửa triệu), phản ứng của hầu hết các quốc gia khác là dè dặt. Nhiều quốc gia ở châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, chủ trương dứt khoát: Không nhận cho người nào định cư cả. Một số quốc gia khác, kể cả Mỹ và Úc, nhận người tị nạn một cách khá miễn cưỡng, chủ yếu do sức ép của dư luận. Lý do, khá dễ hiểu: Người ta sợ Hồi giáo.
Lâu nay, dưới mắt quần chúng khắp nơi, Trung Đông đồng nghĩa với Hồi giáo; và từ sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, người ta xem Hồi giáo đồng nghĩa với khủng bố. Cho phép người Trung Đông định cư trong nước mình, do đó, đồng nghĩa với việc chấp nhận thật nhiều rủi ro. Đó là lý do tại sao chính phủ Úc, sau khi công bố quyết định nhận khoảng 12.000 người Trung Đông, nói xa nói gần: chủ yếu chỉ nhận những người theo Thiên Chúa giáo. Có lẽ nhiều quốc gia Tây phương khác cũng chủ trương tương tự tuy người ta không dám nói thẳng ra vì sợ mang tiếng là kỳ thị.
Điều đáng để ý là ngay những người Việt Nam cũng có cảm giác không thoải mái. Trên các diễn đàn mạng, quanh các cuộc trao đổi về làn sóng tị nạn người Trung Đông trong mấy tuần vừa qua, tôi thấy hầu hết đều sợ, một lúc nào đó, chính những người xin tị nạn ấy sẽ trở thành những tên khủng bố trên đất nước từng mở rộng vòng tay đón nhận họ. Người ta củng cố sự lo sợ ấy bằng cái tin nghe nói là do chính lực lượng Nhà nước Hồi giáo tung ra: có ít nhất 4000 người của họ len lỏi trong số những người tị nạn ấy.
Những sự lo sợ như thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thứ nhất, cộng đồng người Trung Đông theo Hồi giáo ở Tây phương là cộng đồng ít có khả năng hội nhập vào quốc gia mới và văn hoá mới nhất. Ở đâu họ cũng có khuynh hướng hình thành những ghetto khép kín, biệt lập với ngôn ngữ riêng, tôn giáo riêng, cách sống riêng, với những bảng giá trị riêng nhiều khi trái ngược hẳn với các bảng giá trị phổ biến ở Tây phương.
Thứ hai, lâu nay, hầu hết các cuộc khủng bố ở Tây phương đều gắn liền với những người Hồi giáo gốc Trung Đông. Như ở Úc, chẳng hạn. Chưa xảy ra một cuộc khủng bố lớn nào, nhưng tất cả các nghi phạm bị bắt trong giai đoạn chuẩn bị khủng bố đều cho thấy họ đều là người gốc Trung Đông và theo Hồi giáo. Trước, họ tìm mọi cách để xin được định cư tại Úc, rồi xin vào quốc tịch Úc. Nhưng sau khi đã được ở lại và đã được vào quốc tịch, những người ấy lại tuyên truyền những luận điệu thù ghét nước Úc và chống lại nước Úc, khuyến khích những người đồng đạo nổi lên giết hại những người Úc khác. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi. Tham gia cuộc khủng bố tại Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 có nhiều người Hồi giáo, như Muhammad Atta, Ramzi bin al-Shibh, Ziad Jarrah, Said Bahaji và Marwan al-Shehhi từng sinh sống lâu năm ở Đức. Những kinh nghiệm ấy khiến không những chính phủ mà cả người dân đều đâm lo lắng.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại lý luận ngược lại: Đó chỉ là một thiểu số. Một thiểu số cực kỳ ít ỏi. Lại lấy Úc làm ví dụ. Trong khoảng gần 300.000 người Trung Đông hiện định cư tại Úc (phần lớn là người Lebanon, người Ai Cập và người Iraq), có bao nhiêu người thực sự dính líu đến các cuộc khủng bố? Tối đa là vài ba trăm người. Có nên vì một thiểu số ít ỏi như vậy mà ngoảnh mặt trước những sự cùng khốn của hàng triệu người còn lại?
Nhớ, cách đây gần 40 năm, khi làn sóng tị nạn người Việt đổ tràn ra thế giới, trong dư luận cũng có nhiều ý kiến trái ngược, nhưng cuối cùng, như chúng ta đã thấy, ở rất nhiều quốc gia, đứng đầu là Mỹ, Canada và Úc, lòng nhân đạo đã thắng. Trong suốt mấy chục năm vừa qua, cộng đồng người Việt tị nạn ở Tây phương càng ngày càng lớn mạnh và có nhiều đóng góp cho quốc gia nhận họ định cư. Nhưng những góc tối cũng không ít: Một số người sa vào con đường mua bán cần sa và ma tuý làm hại biết bao nhiêu người khác. Nhưng có thể vì cái thiểu số ít ỏi ấy mà phủ nhận những mặt tích cực của cả cộng đồng?
Cộng đồng, bất cứ là cộng đồng nào, kể các các cộng đồng tị nạn, đều bao gồm nhiều người, trong đó có người tốt và kẻ xấu. Trước hiện tượng cả triệu người bỏ hết tài sản và cả quê hương, bất chấp nguy hiểm, vượt biên ra ngoài xin tị nạn, chúng ta có nên vì bị quá ám ảnh trước nguy cơ một số phần tử xấu và quá khích nào đó mà thành ra dửng dưng?
Tôi nhớ, khi làn sóng người Việt vượt biên tràn ra thế giới, dù nhiều người có ít nhiều lo ngại, nhưng nói chung, thế giới đã mở rộng vòng tay tiếp nhận cả triệu người tị nạn. Bản thân tôi, năm 1985, vượt biên đến Indonesia; chỉ sáu tháng sau, được định cư tại Pháp. Quá trình làm giấy tờ định cư thật dễ dàng và chóng vánh. Không ai hỏi tôi theo đạo gì. Cũng không ai lo sợ tôi trở thành một kẻ ăn bám xã hội hoặc buôn bán những thứ quốc cấm. Không có ai cả. Tôi biết ơn những tấm lòng hào sảng của mọi người không những đối với bản thân mình mà còn đối với những người Việt Nam cùng vượt biển như mình nói chung.
Bởi vậy, riêng tôi, một mặt, tôi vẫn lo lắng trước các nguy cơ khủng bố do một số người Hồi giáo cực đoan gây ra tại Úc cũng như ở tất cả các quốc gia khác; mặt khác, tôi vẫn xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những người tị nạn bất hạnh chết trên biển, xác trôi giạt vào bờ, và tôi nghĩ việc cứu giúp những người vượt biên từ Trung Đông là điều nhân đạo và hết sức cần thiết.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.