Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman lên tiếng hôm 19/4 về video ghi cảnh một số người nước ông xé cờ Việt Nam và cáo buộc rằng đó là một phần trong cuộc chiến tranh thông tin mà Nga đang tiến hành tại Việt Nam.
Bài phát biểu dài 6 phút rưỡi được ghi hình của Đại sứ Gaman về vấn đề kể trên được đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội.
Ngay trong phần mở đầu của bài phát biểu, vị đại sứ của Ukraine nói ông “vô cùng lấy làm tiếc khi thấy Nga đang cật lực cố gắng để gây ra sự xích mích giữa nhân dân Ukraine và nhân dân Việt Nam”.
Như VOA đã đưa tin, trong vài ngày gần đây, một số người Việt xới lên trên mạng xã hội một đoạn video cũ ghi cảnh 4 người đàn ông Ukraine xé 2 lá quốc kỳ của Việt Nam rồi vứt xuống đất trước một đám đông hò reo cổ vũ.
Video dẫn đến phản ứng phẫn nộ của nhiều người Việt, trong khi nhiều người khác lên tiếng kêu gọi “đừng bị kích động”.
Đại sứ của Ukraine tại Việt Nam hôm 19/4 xác nhận rằng đó là đoạn video về “một nhóm thanh niên đã có một số hành động phản đối cộng đồng người Việt tại Kharkiv” hồi năm 2006, nhưng ông nhấn mạnh đó chỉ là “hành động của một số người”.
Theo tìm hiểu của VOA, vụ việc này xảy ra khi những người dân tộc cực đoan Ukraine kéo đến gây sự, phản đối việc cộng đồng người Việt xây chùa Trúc Lâm ở thành phố Kharkiv.
Tuy nhiên, những người Việt sinh sống lâu năm ở Ukraine và nắm rõ sự việc nói rằng vụ này “sau đó được giải quyết ổn thỏa”, cả người Việt ở Kharkiv lẫn nhóm Ukraine dân tộc cực đoan đều đã “quên từ lâu rồi”.
Trong bài phát biểu vừa được đăng lên của ông, người đứng đầu Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội chỉ ra rằng “vào năm 2007, lá cờ Việt Nam đã được kéo lên” tại chùa Trúc Lâm mà ông mô tả là “khu phức hợp chùa Phật giáo lớn nhất ở châu Âu”.
Ông Gaman cho biết thêm là tham gia buổi lễ khánh thành chính thức ngôi chùa “có sự tham dự của các đại diện nhà nước Ukraine, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Văn Thành, đoàn tăng sĩ phật giáo từ Việt Nam, đại diện kiều bào Việt Nam và người dân Kharkiv”.
“Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy quan điểm chính thức của Ukraine trong quan hệ với Việt Nam và thái độ của xã hội Ukraine đối với nhu cầu tôn giáo của cộng đồng người Việt ở đất nước tôi. Và đây là một hành động của chính phủ Ukraine”, Đại sứ Gaman nhấn mạnh.
Tiếp đến, vị đại sứ của Ukraine tung ra những lời cáo buộc Nga: “Tuy nhiên, Nga giữ im lặng về điều này. Người Nga đang cật lực cố gắng để chứng tỏ Ukraine là một quốc gia man rợ, hiếu chiến và không khoan dung với các dân tộc khác, họ nói, trong chính quyền có những người theo chủ nghĩa quốc xã”.
VOA cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Nga ở Hà Nội để tìm hiểu phản ứng của họ đối với cáo buộc mà Đại sứ Gaman của Ukraine đưa ra, nhưng không nhận được hồi đáp.
Theo lời mô tả của Đại sứ Gaman, chính quyền của Ukraine “là từ nhân dân” mà trong đó có cả một bộ phận không tách rời gồm người Do Thái, người Tatars, người Gruzia, người Nga, v.v…
“Có cả những người từ Việt Nam đang làm việc trong các cơ quan nhà nước và cơ quan tự quản Ukraine hoặc tiến hành các hoạt động kinh doanh thành công”, ông cho biết, đồng thời liệt kê những người gốc Hàn Quốc, Gruzia, Crimea Tatar… tham gia chính trường Ukraine, mà nổi bất nhất là Tổng thống Zelensky có gốc Do Thái.
“Liệu điều này có khả thi ở một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa quốc xã hay chủ nghĩa bài ngoại?” vị đại sứ của Ukaine đặt câu hỏi, và nhấn mạnh: “Các nhà chức trách Ukraine kiên quyết lên án bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa bài ngoại”.
Đây là lần thứ hai quan chức lãnh đạo Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội đưa ra cáo buộc Nga thực hiện chiến tranh thông tin.
Cách đây gần 1 tháng, như VOA đã đưa tin, Đại biện lâm thời Ukraine ở Việt Nam, bà Nataliya Zhynkina, lên tiếng về việc có người xới lên video và bài đăng trên kênh YouTube “Ukraine 24” và báo mạng “Pravda Ukraine” (Sự thật Ukraine) bị xem là “hạ thấp” cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Bà Zhynkina cáo buộc hôm 21/3 rằng đó là một “cuộc tấn công thông tin” nhằm mục đích “gây tranh cãi giữa hai dân tộc chúng ta”, và theo bà, “nguồn gốc của cuộc tấn công này là một nguồn thông tin trên Facebook, nơi phát đi những nội dung sai sự thật và tuyên truyền của Nga”.
Khi đó, Đại sứ quán Nga ở Hà Nội cũng không có phản ứng về lời cáo buộc của bà Zhynkina.