Đường dẫn truy cập

Pháp bán chiến đấu cơ cho Ai Cập: Thắng lợi…và nghi vấn


Dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu Rafale tại nhà máy của nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation ở Merignac gần Bordeaux, tây nam nước Pháp.
Dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu Rafale tại nhà máy của nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation ở Merignac gần Bordeaux, tây nam nước Pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày hôm nay đến Cairo để ký một hợp đồng bán 24 máy bay phản lực chiến đấu Rafale và một tàu khu trục cho Ai Cập trị giá 5,9 tỉ đô la. Thỏa thuận này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Pháp và giúp củng cố kho vũ khí của quân đội Ai Cập trước những bất ổn về an ninh. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA ở Paris, một số người đang nêu câu hỏi tại sao Pháp bán vũ khí cho một nước có thành tích xấu về nhân quyền.

Sau nhiều năm tìm cách bán chiến đấu cơ Rafale ra nước ngoài, cuối cùng Pháp đã có được những tin tốt.

Khi loan báo việc Ai Cập đồng ý mua hơn hai chục chiếc máy bay, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Cairo muốn có một lực lượng không quân có khả năng và một thỏa thuận nhanh chóng…và Ai Cập đạt được cả hai. Ông nói Ai Cập muốn có được các máy bay này một cách nhanh chóng vì những mối đe dọa đang quanh nước họ.

Những đe dọa này bao gồm tình trạng hỗn loạn tại nước láng giềng Libya, và những hoạt động của những phần tử khủng bố Hồi Giáo tại Trung Đông và Bắc Phi.

Hợp đồng mua bán máy bay này giúp công nghiệp quốc phòng Pháp phát triển sau khi Paris bị buộc phải đình chỉ việc bán hai chiếm hạm cho Nga, giữa lúc có sự đối đầu về Ukraine. Việc mua bán này cũng diễn ra vào thời điểm chính phủ đang cắt giảm chi phí quốc phòng.

Ông Pierre Trần, thông tín viên của Defense News nhận xét như sau.

“Chính phủ Pháp cam kết cắt giảm đơn đặt hàng trong nước cho máy bay Rafale. Để bù lại việc cắt giảm, Pháp cần tìm khách hàng để xuất khẩu máy bay Rafale. Do đó, Ai Cập là khánh hàng xuất khẩu đầu tiên-Điều này quan trọng, có ý nghĩa. Việc này cũng quan trọng đối với công ăn việc làm và đối với nền kinh tế.”

Việc này đặc biệt quan trọng đối với Dassault Aviation, công ty chế tạo loại chiến đấu cơ này.

Ông Eric Trapper, người đứng đầu Dassault Aviation, nói với Đài phát thanh Pháp:

“Chúng tôi rất hãnh diện, quân đội Ai Cập đã thấy loại máy bay hoạt động và hài lòng với loại máy bay này.”

Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng.

Bà Emmanuelle Cosse, người đứng đầu đảng xanh EELV, nói việc bán máy bay Rafale có lợi đối với Pháp và công ty Dassault. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France Info, bà nêu lên câu hỏi là việc bán máy bay chiến đấu cho Ai Cập có phải là một ý kiến hay hay không, vì những khó khăn về kinh tế và xã hội của Pháp và sau khi cảnh sát Ai Cập bắn vào những người biểu tình ôn hoà.

Hội Ân xá Quốc tế cũng chỉ trích việc bán máy bay chiến đấu cho một nước mà tổ chức này gọi là có những vi phạm nhân quyền “đáng báo động.”

Bà Aymeric Elluin, người đứng đầu chiếân dịch vũ khí và không bị trừng phạt của Hội Aân xá Quốc tế tại Pháp, nói Pháp đã phê chuẩn Hiệp ước Mua bán Vũ khí quốc tế, không để cho vũ khí lọt vào tay những nước vi phạm nhân quyền. Bà đặt câu hỏi ai có thể bảo đảm là Ai Cập –một nước không ký hiệp ước- sẽ sử dụng vũ khí do Pháp chế tạo một cách hợp pháp?

Một số quan sát viên cũng cho rằng việc mua bán này đánh dấu nỗ lực của Ai Cập nhằm giảm bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ trong lãnh vực quân sự. Các mối quan hệ gữa Cairo và Washington trở nên căng thẳng kể từ khi quân đội Ai Cập lật đổ cựu tổng thống Mohamed Morsi. Cựu tư lệnh quân đội Ai Cập, Tướng Abdel Fattah el-Sissi, sau đó được bầu làm tổng thống.

Thông tín viên Pierre Trần của Defense News nói tiếp:

“Vấn đề là tại sao Ai Cập đến với Pháp một cách nhanh chóng như vậy? Tôi có thể chỉ rõ rằng sau khi chính phủ hiện nay lên nắm quyền ở Ai Cập, Hoa Kỳ ngưng giao 4 chiếc chiến đấu cơ F16 như một dấu hiệu không đồng ý… Do đó, có lẽ mua máy bay phản lực chiến đấu của Pháp, tốn kém nhiều hơn, có thể là một tín hiệu cho Washington.”

Bộ Ngoại giao Mỹ hạ giảm tầm quan trọng của việc mua bán máy bay Rafale. Washington nói rằng Ai Cập là một nước có chủ quyền và Washington có mối quan hệ an ninh với Cairo. Tuy nhiên, tại Pháp, những nghi vấn về việc mua bán máy bay Rafale có phần chắc sẽ còn kéo dài sau khi hợp đồng được ký kết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG