Thế nào là bạo loạn chống chính quyền, thế nào là tham gia bạo loạn, có cần bản án của tòa hay không, tổng thống có nằm trong diện bị chế tài và tòa án có thể quyết định về quyền tranh cử của ứng viên hay là để cho cử tri quyết định – đó là những câu hỏi mà Tối cao Pháp viện sẽ cân nhắc khi ra phán quyết về việc ông Donald Trump bị xóa tên khỏi phiếu bầu.
Thụ lý kháng cáo
Tòa án tối cao của Hoa Kỳ hôm 5/1 thông báo họ sẽ xem xét hồ sơ kháng cáo của cựu Tổng thống Donald Trump về việc tên của ông bị xóa trên phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Colorado và lên lịch cho cuộc tranh tụng bằng đối thoại vào ngày 8/2.
Trong một thông cáo gửi đến ABC News, phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử của ông Trump nói họ ‘tin tưởng’ Tối cao Pháp viện sẽ ‘khẳng định quyền công dân của Tổng thống Trump và quyền bỏ phiếu của tất cả người dân Mỹ với phán quyết sẽ một lần và mãi mãi dập tắt tất cả các trò lừa bịp còn lại về xóa tên khỏi lá phiếu’.
Tòa án Tối cao Colorado hôm 19/12/2023 ra phán quyết chưa từng có tiền lệ khi không cho ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2024 với lý do rằng rằng cựu tổng thống đã vi phạm Mục 3, Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ.
Phán quyết của tòa ghi rằng ông Trump ‘đã tham gia vào cuộc nổi loạn’ hôm 6/1/2021 và đảo ngược phán quyết của tòa án cấp dưới rằng ông Trump vẫn có thể được ghi tên trên lá phiếu vì tổng thống Mỹ không phải là ‘viên chức của nước Mỹ’.
“Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado đã tước quyền bầu cử của hàng triệu cử tri ở Colorado một cách vi hiến và có khả năng được sử dụng như hình mẫu để tước quyền bầu cử của hàng chục triệu cử tri trên toàn quốc”, đội ngũ của ông Trump viết trong đơn kháng nghị.
Ông Trump cũng đang đối mặt với hơn 30 lời kêu gọi từ các bang là cần cấm ông tham gia bầu cử sơ bộ theo Tu chính án thứ 14.
Theo sau Colorado, Maine hôm 28/12/2023 đã trở thành bang thứ hai tuyên bố ông Trump không đủ điều kiện ra tranh cử khi bà Shenna Bellows, Tổng Thư ký tiểu bang, quan chức cấp cao nhất phụ trách công việc bầu cử của bang, loại ông ra khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ với kết luận rằng ông Trump ‘tham gia vào cuộc nổi loạn’ ngày 6/1.
“Người dân Colorado và người dân Mỹ đáng được biết rõ liệu một người tham gia nổi dậy có thể tranh cử vào chức vụ cao nhất của đất nước hay không. Tôi kêu gọi Tối cao Pháp viện ưu tiên vụ án này và đưa ra phán quyết càng sớm càng tốt”, Tổng Thư ký tiểu bang Colorado Jena Griswold ra tuyên bố nói.
Điều khoản ‘rất chung chung’
Trao đổi với VOA từ Quận Cam, bang California, Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho biết điều khoản cấm một ai đó ra ứng cử chức vụ công quyền nếu họ đã tham gia bạo loạn chống chính quyền ‘có ghi trong Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp nhiều tiểu bang’.
Tuy nhiên, về vấn đề này, các bang khác nhau có cách xử lý khác nhau, ông lưu ý. Có bang cấm ghi tên ông Trump trên lá phiếu vì tham gia bạo loạn, có bang thì cho rằng việc này không nằm trong thẩm quyền của tòa án mà hãy để cho cử tri quyết định.
Do đó, Tối cao Pháp viện rất cần thụ lý vụ việc này để từ đó giải quyết tranh cãi giữa các bang, cũng theo lời luật sư này.
Ông Trump hiện đang bị đại bồi thẩm đoàn liên bang ở thủ đô Washington truy tố về nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông đã thua trước ông Joe Biden liên quan đến cuộc bạo loạn tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Luật sư Lân cho rằng cho đến khi tòa án ra phán quyết về cáo trạng này thì ông Trump ‘mặc định được xem như vô tội’. Mà nếu ông Trump được xem là vô tội thì không có cơ sở áp dụng Tu chính án thứ 14.
Tuy nhiên, một khi ông Trump đã bị bồi thẩm đoàn kết tội rồi, Tối cao Pháp viện sẽ ‘phán quyết việc này rất dễ dàng’ vì ‘họ không thể nào coi thường quy định của Hiến pháp’.
Một vấn đề hóc búa nữa đối với Tối cao Pháp viện là Mục 3, Tu chính án 14, ‘ghi rất chung chung’ mà không có diễn giải gì rõ ràng nên rất khó áp dụng, ông Lân nhận định.
“Hành động như thế mới được gọi là bạo loạn? Thế nào là chống lại chính quyền? Thế nào là tham gia bạo loạn? Chỉ cần có mặt ở đó kêu gọi hay là chỉ đi theo đám đông hay là trực tiếp xung đột với cảnh sát?” ông đặt vấn đề.
Ngoài ra, câu chữ ‘viên chức chính quyền liên bang’ trong Tu chính án cũng có thể được diễn giải là ‘không nhằm vào tổng thống’ vì ‘tổng thống là do dân bầu, chứ không phải như bộ trưởng, thứ trưởng do được bổ nhiệm’.
“Người dân bầu ra tổng thống nên người dân có quyền quyết định tối cao đối với tổng thống chứ không phải là tòa án ở bang Colorado”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Lân nói nếu lập luận là ông Trump cũng làm việc cho chính quyền liên bang, được lãnh lương như mọi viên chức liên bang khác thì bản thân ông Trump cũng là một ‘nhân viên liên bang’.
Ông xác nhận có những tiêu chuẩn mà Hiến pháp đặt ra đối với người ra tranh cử tổng thống, chẳng hạn như ít nhất phải 35 tuổi, sinh ra ở Mỹ, phải sống ở Mỹ ít nhất 14 năm và không tham gia chống chính quyền là ‘những tiêu chuẩn chính đáng để ra tranh cử chức lãnh đạo quốc gia’ và điều này đã được ghi rõ ra giấy trắng mực đen trong Hiến pháp.
“Nhưng vì đang trong kỳ tranh cử nên có ý kiến cho rằng hãy để quyền quyết định cho người dân chứ không thể để cho vài thẩm phán quyết định về quyền bầu cử của người dân”, ông nói. “Đó không phải là ý định của những người lập ra tu chính án đó”.
Khi được hỏi hành động của ông Trump trong ngày 6/1 kêu gọi người ủng hộ mình tiến về Điện Capitol và ‘chiến đấu hết mình’ có được xem là ‘tham gia bạo loạn’ hay không, luật sư nói ‘có thể diễn giải khác nhau’ tùy theo cách nhìn.
“Có thể lập luận rằng ông Trump chỉ phát biểu vì ông thật sự tin tưởng cuộc bầu cử bị gian lận nên ông kêu gọi người ủng hộ ông thể hiện cho các vị đại biểu của họ biết, chứ còn họ bạo loạn hay làm gì thì ông ấy không biết”, Luật sư Lân nhận định.
Như nhiều hãng tin đã tường thuật, khi đám đông ùn ùn kéo đến Điện Capitol với tâm lý giận dữ, thay vì kêu gọi họ trở về nhà để cho Quốc hội làm việc, ông Trump kêu gọi họ tiến về phía Quốc hội, và khi bạo loạn diễn ra, ông chỉ ngồi yên để xem mà không có hành động gì để chấm dứt bạo loạn. Người ủng hộ ông Trump chỉ làm theo lệnh của của ông mà thôi, Luật sư Lân đưa ra quan sát của ông.
Luật sư Lân nhận định Tối cao Pháp viện khi ra phán quyết về việc này phải tránh làm sao bị người dân nhìn nhận là ‘mang tính đảng phái’ hay ‘can thiệp vào bầu cử’.
Khi được hỏi 9 vị thẩm phán trong Tòa án Tối cao liệu có xét đến phản ứng của dư luận khi ra phán quyết hay không, Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng ‘trên nguyên tắc, thẩm phán không nên cân nhắc phản ứng của người dân vì vai trò của họ ghi trong Hiến pháp chỉ là giải thích điều luật Hiến pháp nói gì’.
“Họ chỉ có thể quyết định luật nói sao thì làm y chang vậy. Đúng là đúng mà sai là sai. Họ không cần nghĩ đến việc phán quyết làm sao cho yên ổn đất nước”, ông lưu ý.
‘Không phải chính trị’
Theo ghi nhận của VOA, trong các cuộc trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí khác nhau, nhiều học giả Mỹ chuyên về hiến pháp nhận định rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado có thể chính đáng về mặt pháp lý, nhưng áp dụng nó sẽ đầy rủi ro về mặt chính trị, nhất là ở đất nước đã bị chia rẽ sâu sắc và suy giảm lòng tin vào các thể chế dân chủ.
“Cựu Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần kích động nổi loạn”, phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado ghi, được các báo Mỹ dẫn lại. Ngay cả khi cuộc tấn công Điện Capitol đang lên cao trào, ông ấy vẫn tiếp tục hậu thuẫn bạo loạn với việc liên tục yêu cầu phó Tổng thống Mike Pence không thực hiện nghĩa vụ hiến định của mình và gọi điện cho các Thượng nghị sĩ thuyết phục họ ngừng xác nhận phiếu đại cử tri. “Những hành động này cấu thành sự tham gia công khai, tự nguyện và trực tiếp vào cuộc nổi loạn”, theo trích dẫn của Washington Post.
Ông J. Michael Luttig, thẩm phán Tòa phúc thẩm Mỹ và là một đảng viên Cộng hòa, nói Tối cao Pháp viện phải xem xét việc này theo đúng Hiến pháp mà không bị chi phối bởi bất kỳ cân nhắc chính trị nào. “Đây không phải là chính trị”, ông Luttig được Washington Post dẫn lời nói. “Chính Hiến pháp sẽ loại cựu tổng thống nếu ông ta đáng bị loại”.
“Tòa án nên hành động mà không xem xét hậu quả chính trị của các quyết định của họ”, Mark Graber, học giả luật hiến pháp tại Đại học Maryland, nói với Washington Post.
Điều then chốt của Tu chính án thứ 14 là ‘có những hạn chế trong các tiến trình dân chủ nhân danh dân chủ, ông Graber nói thêm.
Kim Lane Scheppele, giáo sư xã hội học và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, nói rằng ở các nước khác việc loại ứng cử viên khỏi lá phiếu dễ dàng hơn. Nhiều nước châu Âu, bà cho biết, loại bỏ những đảng nào không cam kết ủng hộ Hiến pháp. Bản thân ông Trump còn đi xa hơn nữa, bà lưu ý, khi ông trực tiếp đe dọa trật tự Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Các lập luận pháp lý rất thuyết phục, và vì vậy câu hỏi duy nhất là liệu Tối cao Pháp viện có đủ ý chí chính trị để giữ nguyên phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado hay không”, bà được Washington Post dẫn lời nói.
‘Hãy để cử tri phán quyết’
Tuy nhiên, trên Washington Post, có học giả cho rằng việc xóa tên ông Trump khỏi lá phiếu qua tiến trình pháp lý mặc dù sẽ ngăn ông trở lại Nhà Trắng - mà ông dọa là nếu trở lại được, ông sẽ đình chỉ Hiến pháp và sử dụng các phương tiện của chính quyền để trả thù các đối thủ - nhưng đồng thời nó cũng ngăn cử tri thực hiện quyền phán quyết của họ.
“Tôi tin vào nền dân chủ”, Giáo sư luật Tom Ginsburg của Đại học Chicago nói với Washington Post. “Và tôi không nghĩ có lựa chọn nào khác cho việc người dân bỏ phiếu”.
Với việc ông Trump được ưa chuộng trong nội bộ đảng Cộng hòa, lệnh cấm ra tranh cử do tòa áp đặt có thể gây ra bất bình từ phía công chúng, sẽ làm suy yếu thêm niềm tin của nhiều người dân Mỹ vào các định chế, Giáo sư Ginsburg phân tích.
Ngay cả những đối thủ chính trị gay gắt nhất của ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng không ủng hộ việc loại ông khỏi phiếu bầu. Chris Christie, cựu thống đốc bang New Jersey và là công tố viên liên bang, nói rằng ông đang ra tranh cử tổng thống để ngăn ông Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng Christie chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao Colorado, nói rằng nó sẽ ‘gây ra rất nhiều tức giận’ nếu cử tri không thể đưa ra phán quyết về ông Trump.
Rick Esenberg, chủ tịch và là tổng cố vấn của Viện Luật & Tự do Wisconsin, cũng không đồng ý với phán quyết của Colorado mặc dù ông là đảng viên Cộng hòa kiên quyết nói không với Trump.
Esenberg cho rằng bài phát biểu của ông Trump trước những người ủng hộ mà sau đó đã dẫn đến bạo loạn cấu thành quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.
Trên trang ABC News nhiều nhà quan sát pháp lý nói rằng nếu có thể được, các thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ muốn né tránh áp dụng Mục 3 của Tu chính án 14 cho một ứng cử viên tổng thống.
“Có nhiều khả năng họ sẽ tìm ra cách nào đó để né tránh”, ông Laurence Tribe, giáo sư danh dự Trường Luật Đại học Harvard và học giả Hiến pháp, nói với ABC News. “Họ sẽ nói rằng đó là vấn đề chính trị, không phải cho chúng tôi, mà là cho các cử tri. Hoặc họ có thể tìm cách lập luận rằng chung quy đó là vấn đề về Hiến pháp nên để cử tri quyết định”.
Mặc dù Tối cao Pháp viện có thể đi thẳng vào vấn đề không né tránh - hoặc tán thành phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado rằng ông Trump ‘đã tham gia nổi loạn’ vào ngày 6/1 hoặc lật ngược phán quyết đó với phân tích về dữ kiện trái ngược, việc nhanh chóng ra phán quyết hẹp hoặc phán quyết mang tính kỹ thuật có thể là cách làm có lợi nhất cho Tối cao Pháp viện nếu họ muốn tránh bị coi là can thiệp bầu cử.
Ông Noel Francisco, cựu quan chức Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Trump, đã đệ đơn lên tòa kêu gọi các thẩm phán áp dụng một lối thoát khả dĩ mà ông cho là có ghi giấy trắng mực đen trong Tu chính án 14.
Mục 3 của Tu chính án 14 cấm cựu ‘viên chức Hoa Kỳ’ đã tuyên thệ và đã tham gia nổi loạn nắm giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hoặc quân sự, trong chính quyền Mỹ’, nhưng nó không nói gì về việc tranh cử hay có tên trên lá phiếu, ông Francisco lập luận.
“Ngay cả khi Tòa án Tối cao Colorado đúng khi nói rằng Tổng thống Trump không thể nhận nhiệm sở vào Ngày nhậm chức, họ không có cơ sở cho rằng ông ấy không thể ứng cử vào Ngày bầu cử”, ông Francisco viết trong lá đơn thay mặt cho Ủy ban Thượng nghị sĩ Cộng hòa Quốc gia.
Diễn đàn