Sau khi bị người sử dụng mạng xã hội chỉ trích kịch liệt vì hành xử thái quá đối với Ngọc Trinh (khởi tố, tạm giam nhằm... điều tra chuyện cô điều khiển mô tô mà không có giấy phép lái xe, khoe việc vừa vận hành mô tô, vừa đứng, quỳ, nằm) và sự chỉ trích này bất lợi cho hệ thống công quyền đến mức, hệ thống truyền thông chính thức không thể chọn “mũ ni che tai” như vẫn thường thấy mỗi khi có vấn đề đụng tới lực lượng bảo vệ - thực thi pháp luật (1), cuối cùng, công an Việt Nam đã lên tiếng... phân bua!
Theo công an Việt Nam thì chuyện Quốc Cơ và Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” (một người cầm lái, người còn lại chổng ngược trên đầu người cầm lái và dang cả hai tay lẫn hai chân khi xe di chuyển) là “vụ việc hành chính, không có dấu hiệu tội phạm” (2). Tiết mục xiếc do Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thực hiện nhằm quảng cáo cho một dòng xe hai bánh gắn máy chạy điện. Phía tổ chức ghi hình đã xin các loại giấy cần thiết và đã thực thi tất cả các biện pháp an toàn khi biểu diễn.
***
Nếu chịu khó quan sát – đối chiếu các diễn biến liên quan đến việc khởi tố, tạm giam Ngọc Trinh vì “gây rối trật tự công cộng”, hẳn sẽ thấy, sự tùy tiện trong thực thi công vụ đã đẩy hệ thống công quyền đến chỗ hoàn toàn bị động. Trước khi công chúng chọn việc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” để chứng minh khởi tố, tạm giam Ngọc Trinh là bất thường, kỳ quái, không viên chức hữu trách nào bận tâm đến chuyện dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc và an toàn công cộng.
Bởi không bận tâm nên khi được hỏi ý kiến, đại diện công an mới tuyên bố: “Đang vào cuộc xác minh. Nếu sự việc xảy ra tại TP.HCM, sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm”. Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM hứa: “Sẽ kiểm tra lại vụ việc” (2). Khi hệ thống công quyền vận hành kiểu đó, các doanh nghiệp có liên quan (công ty có xe điện cần quảng cáo, công ty thực hiện hợp đồng quảng cáo xe điện) và nghệ sĩ cùng trở thành nạn nhân.
Ngoài việc nghệ sĩ, doanh nghiệp phải trình diện công an theo lệnh triệu tập để nộp các loại giấy tờ, thuyết minh đã tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh như thế nào nhằm thực hiện cái gọi là “hợp tác cùng Công an thành phố Thủ Đức để làm rõ và giải quyết vụ việc” họ còn tự nguyện kéo video clip quảng cáo xe điện khỏi Internet. Không phải tự nhiên mà nhiều người, nhiều giới cho rằng “cần có hành lang” để “bảo vệ những nghệ sĩ đóng quảng cáo mạo hiểm” (3)!
Cho dù hết sức kỹ lưỡng khi thực hiện video clip “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” để quảng cáo sản phẩm mới (các bên có liên quan soạn – lập – ký hợp đồng, xin phép sử dụng đường nội bộ chưa được đưa vào sử dụng, ngăn chặn qua lại ở khu vực biểu diễn, sắp đặt nhân viên y tế - phương tiện cấp cứu đề phòng rủi ro, sử dụng các thiết bị bảo vệ an toàn cho những cá nhân tham gia) nhưng công an vẫn cho là “cần xử lý hành chính”(4).
Rùng rợn hơn là dù đã xác định chuyện Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” nhưng công an vẫn đính kèm tuyên bố: Nếu phát hiện những vi phạm thuộc lĩnh vực khác sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định (5). Tuyên bố vừa kể đặt Quốc Cơ, Quốc Nghiệp và những cá nhân có liên quan vào tình thế nguy hiểm giống hệt Ngọc Trinh và những người có liên quan tới chuyện cô “gây rối trật tự công cộng” dù công an đã khẳng định hai trường hợp khác nhau.
***
Luật xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam xác định, chỉ xử phạt hành chính khi xác định sai phạm không phải là tội phạm hình sự. Mỗi sai phạm chỉ bị xử phạt một lần, theo một phương thức - hoặc xử lý vi phạm hành chính, hoặc xử lý hình sự (6). Việc Ngọc Trinh điều khiển mô tô phân khối lớn không có giấy phép lái xe, hết đứng tới quỳ, nằm khi lái xe đã được chính công an xác định là vi phạm hành chính và đã ra quyết định xử phạt cô 8,5 triệu đồng và cô đã nộp phạt (7).
Đó cũng là lý do nhiều người bất bình khi công an khởi tố, tống giam cô với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “mở rộng điều tra”. Sự bất bình của công chúng về cách hành xử đối với Ngọc Trinh không phải vì cá nhân cô mà vì an toàn công cộng và an toàn cá nhân bị đe dọa. Khi công an thản nhiên chà đạp các qui định pháp luật hiện hành, tùy nghi tự quyết sai phạm nào đó là lỗi hành chính hay tội hình sự hoặc cả hai thì bất kỳ ai cũng có thể vào tù nếu công an không thích hoặc muốn làm như vậy vì lẽ gì đó!
Đâu phải tự nhiên mà thiên hạ thắc mắc, đòi làm rõ thế nào là “trật tự công cộng”. Tại sao đã hai tháng mà công an vẫn không “xác minh, làm rõ” sự kiện một nhóm hàng chục người điều khiển sáu chiếc Harley Davidson muốn dùng phà Cát Lái nhưng không chịu xếp hàng và mắng chửi, hành hung những người yêu cầu họ phải vào hàng như mọi người (8)? Tai sao mạng xã hội và gần như toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức cùng phản ánh, cùng lên án nhưng công an và hệ thống công quyền lờ đi, không xem đó là “gây rối trật tự công cộng”?
Tại sao công an chỉ “xác minh, làm rõ” và trả lời về chuyện Quốc Cơ, Quốc Nghiệp “không đội mũ bảo hiểm, dùng xe hai bánh gắn máy làm xiếc” mà không giải thích những chuyện khác như chuyện công an quảng bá việc công an dàn hàng ngang, đứng trên mô tô phân khối lớn rồi vung tay chào là đúng hay sai (9)? Nếu việc sử dụng mô tô phải tuân thủ các quy định về an toàn, không làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ, từ đó tạo ra những tác động nguy hại cho an toàn giao thông thì chẳng lẽ công an là... ngoại lệ?
Không lẽ bảo vệ - thực thi pháp luật là có quyền gạt bỏ các qui định pháp luật sang một bên, sử dụng nhận thức, sở thích của lãnh đạo ngành công an, biến cả hai thứ này thành một loại có giá trị cao hơn luật pháp hiện hành để áp đặt ý chí của giới lãnh đạo ngành công an lên tất cả công dân, dùng người này để răn đe những người khác, buộc cả trăm triệu người phải nhớ, công an có quyèn định đoạt tất cả và ở Việt Nam, chỉ cần công an là đã... đủ để xây dựng pháp chế XHCN?
Chú thích
(6) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-142766.aspx
Diễn đàn