Đường dẫn truy cập

Vụ khủng hoảng con tin có thể ảnh hưởng tới kế hoạch quốc phòng của Nhật


Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo hiện đang bắt giữ phóng viên Kenji Goto.
Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo hiện đang bắt giữ phóng viên Kenji Goto.

Việc nhóm Nhà nước Hồi Giáo rõ ràng đã chặt đầu một con tin người Nhật và dọa giết con tin thứ hai là một sự nhắc nhở đối với Tokyo là những mối quan hệ ngoại giao ngày càng tăng và sự thân thiện nhiều hơn với Hoa Kỳ đã làm cho Nhật Bản trở thành mục tiêu của quân khủng bố. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA, vụ khủng hoảng con tin có thể làm cho công luận Nhật chia rẽ thêm nữa về kế hoạch của Tokyo nhằm nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, ngày hôm nay cho biết chính phủ ông đang làm việc chặt chẽ với chính phủ Jordan để đảm bảo là ông Kenji Goto, con tin người Nhật còn lại, sẽ được trả tự do.

Ông Suga nói sinh mạng con người vẫn là ưu tiên của chính phủ Nhật Bản, và dựa trên cơ sở này, Tokyo đang làm việc chặt chẽ với chính phủ Jordan, các tộc trưởng các bộ tộc và các lãnh tụ tôn giáo và những tổ chức khác.

Ông cũng nói Nhật Bản không tiếp xúc trực tiếp với các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo.

Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo, hiện đang cầm giữ phóng viên chiến tranh Kenji Goto, và tuyên bố đã chặt đầu con tin thứ hai là ông Haruma Yukawa, một nhà thầu an ninh. Tổ chức này đã ấn định tiền chuộc con tin là 200 triệu đô la để trả tự do cho hai người này, và ra hạn chót là 72 giờ để trả tiền chuộc. Hạn này đã trôi qua hôm thứ Sáu tuần trước.

Trong một đoạn băng video được đưa lên mạng ngày Chủ Nhật, một tiếng nói được cho là của ông Goto nói các phần tử chủ chiến đã quyết định không đòi tiền chuộc và họ sẽ trả tự do cho ông để đổi lấy bà Sajida al-Rishawi, một người Iraq bị giam tại Jordan.

“Do đó các ông đừng lo ngại về việc tài trợ cho khủng bố. Họ chỉ yêu cầu trả tự do cho chị em của họ là bà Sajida al-Rishawi đang bị cầm tù. Đơn giản là như vậy.”

Bà Al-Rishawi bị bắt vào năm 2005 vì âm mưu đánh bom tự sát tại một khách sạn ở Amman. Đây là một trong 3 vụ tấn công gây chết người tại thủ đô của Jordan.

Vụ khủng hoảng con tin xảy ra vào lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm cách nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong an ninh toàn cầu.

200 triệu đô la tiền chuộc các phần tử chủ chiến đòi tương đương với khoản viện trợ phi quân sự mà Thủ tướng Abe hứa dành cho những người phải tản cư vì cuộc nổi dậy của Nhà nước Hồi Giáo, là nhóm đang chiếm giữ những phần đất rộng lớn ở Iraq và Syria.

Thủ tướng Abe cũng đang ra sức thay đổi bản hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản để cho phép quân đội được chủ động hơn trong việc bảo vệ tính mạng người Nhật, và phòng vệ cho Nhật Bản và các nước đồng minh. Kế hoạch được gọi là “hòa bình chủ động” của Thủ tướng Abe gây nhiều tranh cãi tại Nhật Bản và trong khu vực vì quá khứ xâm lăng trong thời chiến tranh thứ hai của nước này.

Ông Koichi Nakano, giáo sư chính trị học của Đại học Sophia ở Tokyo, nói vụ khủng hoảng con tin sẽ làm cho công luận bị chia rẽ nhiều hơn nữa.

“Một mặt, chính phủ cho rằng đây chính là lý do tại sao chúng ta cần chính phủ chủ động hơn trong việc tham gia cuộc chiến chống khủng bố, nhưng một số đông người Nhật vẫn không chấp nhận lý lẽ đó.”

Giáo sư Nakano cho biết tuy có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Thủ tướng Abe trong các cuộc thăm dò dư luận giữa lúc xảy ra vụ khủng hoảng con tin, nhưng nhiều người cũng e rằng ông đang làm cho Nhật Bản gặp nhiều nguy hiểm hơn qua việc tăng cường vai trò của nước Nhật trong lãnh vực quân sự và ngoại giao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG