Đường dẫn truy cập

Vụ Gateway lại nóng khi một trường mầm non cũng bỏ quên trẻ trên xe


Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí bị đình chỉ vì để quên một cháu bé trên ô tô trong 7 tiếng hôm 13/9/2019
Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí bị đình chỉ vì để quên một cháu bé trên ô tô trong 7 tiếng hôm 13/9/2019

Mới đây, một cháu bé phải đi cấp cứu sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của một cơ sở mầm non ở Bắc Ninh. Cơ sở này ngay lập tức bị đình chỉ hoạt động để nhà chức trách điều tra.

Hồi đầu tháng 8, một vụ tương tự xảy ra tại trường mang tên Gateway làm một học sinh thiệt mạng. Dư luận Việt Nam so sánh hai vụ và cho rằng có sự phân biệt đối xử đối với hai trường kể trên.

Trang web của công an tỉnh Bắc Ninh và các báo, trong đó có Tiền Phong, Tuổi Trẻ, đưa ra thông tin cho hay hôm 13/9, cơ sở mần non Đồ Rê Mí ở huyện Tiên Du bỏ quên một cháu bé 3 tuổi trên xe của trường trong 7 tiếng, làm cháu bị bất tỉnh, phải đi cấp cứu.

Từ trước đến nay ngành giáo dục không có văn bản nào về vấn đề đưa đón học sinh cả bởi vì có lẽ học sinh chưa từng được quy hoạch đưa đón bằng xe. Luật giáo dục không có quy định nào về việc trẻ được đưa đón bằng xe cũng như xử lý các vấn đề liên quan.
Thày giáo Đỗ Việt Khoa


Đến ngày 15/9, sức khỏe cháu bé đã ổn định. Cùng lúc, phòng giáo dục cấp huyện ra quyết định tạm đình chỉ cơ sở Đồ Rê Mí để nhà chức trách điều tra, theo các bản tin.

Theo tìm hiểu của VOA, đến nay Việt Nam chưa có văn bản luật cụ thể về các tiêu chuẩn đối với xe chở học sinh, lái xe, nhân viên cũng như quy trình đưa đón liên quan. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng do nỗ lực chống gian lận thi cử, xác nhận với VOA:

“Từ trước đến nay ngành giáo dục không có văn bản nào về vấn đề đưa đón học sinh cả bởi vì có lẽ học sinh chưa từng được quy hoạch đưa đón bằng xe. Luật giáo dục không có quy định nào về việc trẻ được đưa đón bằng xe cũng như xử lý các vấn đề liên quan”.

Thày Khoa cho biết thêm ngành giáo dục hiện chỉ có quy định bằng văn bản về việc “tiếp nhận trẻ từ cổng trường”.

Hai vụ trẻ nhỏ bị bỏ quên trên xe trường học liên tiếp xảy ra trong vòng chỉ hơn 1 tháng làm công chúng lo ngại. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người luôn tích cực lên tiếng trên Facebook để thúc đẩy cho tiến bộ xã hội, nói với VOA rằng cần phải xác định trách nhiệm của phía nhà nước về vấn đề này:

“Trong việc đưa đón học sinh bằng xe đưa rước thực sự là cũng không có một quy chuẩn. Về việc này, trách nhiệm lớn nhất là của nhà nước, và nhất là của Bộ Giáo dục khi không đề ra quy chuẩn và quy trình cho tốt để không xảy ra những tai nạn”.

Nhiều người bình luận trên Facebook cá nhân hoặc trong các diễn đàn có nền tảng mạng xã hội như Bàn luận về Kinh tế-Chính trị hay Góc nhìn Báo chí-Công dân rằng đang có sự bất công về cách thức xử lý của nhà chức trách, khi mà cùng là hành vi bỏ quên trẻ em trên xe trường học, trường Đồ Rê Mí bị đình chỉ, song trường Gateway thì không.

Hình báo Tiền Phong.
Hình báo Tiền Phong.

Như tin đã đưa, ngày 6/8, cháu Lê Hoàng Long, 6 tuổi, học sinh lớp 1 của trường Quốc tế Gateway ở Hà Nội, đã tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường.

Ở trường Gateway thì cháu bé 6 tuổi đã chết. Đó là một vụ lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Việc không dừng hoạt động của nhà trường, không điều tra nhà trường, theo tôi như thế là không công bằng.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh


Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, với hai người bị khởi tố là lái xe Doãn Quý Phiến và cô phụ trách Nguyễn Bích Quy. Chủ sở hữu và ban lãnh đạo trường Gateway chưa phải đối mặt với các động thái pháp lý từ nhà chức trách và trường vẫn đang hoạt động bình thường.

Từ góc nhìn của người trong ngành giáo dục, thày giáo Đỗ Việt Khoa nói sự bức xúc của công chúng xuất phát từ những nguyên nhân dễ thấy, song ông cũng đưa ra nhận định cá nhân về việc vì sao có hai biện pháp khác nhau từ phía nhà chức trách:

“Trường Gateway là trường tiểu học rất là đông lớp. Đình chỉ một trường học với hàng trăm hàng ngàn học sinh như thế thì không thể đình chỉ được. Nhưng trường mầm non tư thục ở Bắc Ninh chỉ là một nhóm của một cặp vợ chồng trông giữ độ chục trẻ thôi. Với trường tư thục nhỏ xíu như thế, người ta có thể đình chỉ để điều tra được”.

Mặc dù nhìn nhận rằng có sự “bất bình đẳng”, song việc hàng trăm hàng ngàn học sinh có thể bị ảnh hưởng nếu trường Gateway đị đóng cửa tạm thời có thể là lý do buộc nhà chức trách phải cân nhắc chưa dừng hoạt động của trường, ông Khoa nói.

Trong khi đó, như nhiều người khác đã thể hiện quan điểm trên Facebook, coi sự việc của Gateway là “rất nghiêm trọng” và đáng bị đóng cửa, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh mạnh mẽ bày tỏ ý kiến với VOA:

“Ở trường Gateway thì cháu bé 6 tuổi đã chết. Đó là một vụ lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Việc không dừng hoạt động của nhà trường, không điều tra nhà trường, theo tôi như thế là không công bằng. Không công bằng cho em bé, không công bằng cho phụ huynh, và nói chung là trong cùng một đất nước, cùng một môi trường giáo dục, như thế là không được”.

Hình: Trích xuất từ Infonet.
Hình: Trích xuất từ Infonet.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội đặt ra nghi vấn phải chăng những chủ sở hữu và người góp vốn cho trường Gateway là người thân của một số nhân vật rất có thế lực trong ngành công an, thậm chí trong chính phủ Việt Nam, nên trường được “che chắn” để không bị bàn tay pháp luật đụng chạm tới.

VOA cố gắng liên lạc với các nhân vật liên quan để kiểm chứng thông tin song không nhận được hồi đáp từ phía họ.

Theo các bài báo của Zing, Dân Trí và một số báo khác, hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế Edufit được thành lập tháng 12/2017 với người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1982.

Vốn điều lệ của Edufit tại thời điểm mới thành lập là 20 tỷ đồng với 4 cá nhân góp vốn là bà Trần Thị Hồng Vân (35,7%), bà Trần Thị Hồng Hạnh (35,7%), bà Trần Thị Huyền (14,3%) và một người phụ nữ nữa có tỷ lệ sở hữu trên 14%. Đến tháng 10/2018, công ty tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.

Đến ngày 16/9, chưa có cá nhân nào bị xét xử về vụ cháu học sinh 6 tuổi bị cho là đã thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway.

VOA Express

XS
SM
MD
LG