Đường dẫn truy cập

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Công an nói đã ‘bắt hết’ thủ lĩnh; có dấu hiệu Fulro?


Nghi phạm Y Thô Ayun xuất hiện trên chương trình Thời sự VTV (Ảnh chụp màn hình)
Nghi phạm Y Thô Ayun xuất hiện trên chương trình Thời sự VTV (Ảnh chụp màn hình)

Toàn bộ những người cầm đầu vụ tấn công đẫm máu ở Đắk Lắk hôm 11/6 ‘đã bị bắt’, một lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho biết và nói đánh giá ban đầu cho thấy nguyên do là ‘một số đối tượng FULRO lưu vong kích động, gây chia rẽ dân tộc’.

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, thông báo như vậy tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào sáng ngày 16/6, theo trang Công An Nhân Dân.

Cho đến nay, công an đã bắt giữ trên 50 người trực tiếp tham gia vào vụ tấn công, cũng theo lời Thiếu tướng Đức được tờ báo này dẫn lại.

Ông Đức dẫn kết quả thẩm vấn ban đầu những người đã bị bắt cho biết những người này là người Thượng đã bị ‘một số đối tượng FULRO lưu vong kích động gây chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số’.

Mục đích của hành động này, cũng theo lời ông Đức, là ‘gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài’.

Đa số những người cầm súng và dao thực hiện vụ tấn công là thanh niên dân tộc trẻ ‘bị xúi giục’. Công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ thêm về động cơ, ông Đức cho biết.

Bản tin Thời sự của Đài Truyền hình nhà nước Việt Nam, VTV, vào tối ngày 15/6 chiếu cảnh một người được cho là đối tượng cầm đầu vụ tấn công đang khai báo. Người này được xác định danh tính là Y Thô Ayun, 36 tuổi, trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Trên đài truyền hình quốc gia, Y Thô Ayun nói nguyên văn như sau: “Tôi đã đi tuyên truyền trong buôn. Những người tôi tin tưởng tôi mới tuyên truyền, còn những người tôi không tin tưởng thì tôi không tuyên truyền.”

Khi nói lời này, Y Thô Ayun ngồi trên ghế với tay bị còng vào thành ghế, trước mặt là một sỹ quan công an đang thẩm vấn còn sau lưng là hai công an viên mặc áo chống đạn đang cầm súng.

Báo chí trong nước dẫn lại lời kể của những nhân chứng bị bắt làm con tin nói rằng họ ‘van xin bằng tiếng Ê-đê mới được tha’.

Tờ Tuổi Trẻ còn dẫn kết quả điều tra của công an cho biết trước vụ tấn công, những kẻ gây án từng đột nhập doanh trại Lữ đoàn đặc công 198 ở huyện Krông Pắc để lấy trộm vũ khí nhưng bất thành.

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức được dẫn lời nói rằng công an sẽ truy bắt cho bằng hết những đối tượng còn lẩn trốn và thu giữ toàn bộ vũ khí. Ông cảnh báo chính quyền Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên cần ‘sâu sát với dân’, thực hiện dân vận để ngăn ngừa các nguy cơ bất ổn từ sớm.

Nhiều nhà quan sát, trong đó có nhà báo Trương Huy San (Huy Đức) và blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), đưa ra nhận xét rằng vụ tấn công xảy ra được xem là một bất ngờ với giới chức Việt Nam, khiến họ lâm vào thế bị động, và là một thất bại trong công tác nắm tình hình, giữ vững địa bàn của công an và chính quyền cơ sở ở Đắk Lắk.

Như VOA đã đưa tin, hàng chục tay súng đã tấn công vào trụ sở chính quyền hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, vào rạng sáng ngày 11/6, giết chết 9 người, trong đó có 4 công an viên và 2 cán bộ xã . Ngoài ra, có 3 người dân khác bị bắt làm con tin sau đó đều đã được giải cứu.

FULRO, tức Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc Bị Áp bức, được các sắc tộc người Thượng và người Chăm thành lập ở Campuchia và mùa thu năm 1964. Họ chủ trương đấu tranh giành quyền tự quyết cho các dân tộc thiểu số và ly khai Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam.

Tổ chức này hoạt động ở miền Nam Việt Nam từ thời Việt Nam Cộng Hòa và sau năm 1975 bị chính quyền cộng sản xem là một tổ chức phản động. Công an Việt Nam từng tuyên bố rằng “sau 17 năm (1975-1992) kiên trì chiến đấu”, họ đã “làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO”. Nhiều thành viên FULRO hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG