Một ngày trước khi ra tòa án sơ thẩm xét xử về tội hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, được luật sư thông báo là ‘đã nhận sai’ và đã nộp lại số tiền khắc phục hậu quả là 16,2 tỉ đồng, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Ông Dũng cùng 19 quan chức khác nằm trong số 54 bị cáo bị truy tố trong vụ án chuyến bay giải cứu với các tội danh như ‘đưa hối lộ’, ‘môi giới hối lộ’, ‘nhận hối lộ’, ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Do quy mô của vụ án với số bị cáo đông đảo, phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ ngày 11/7 sẽ kéo dài trong một tháng, tờ Tuổi Trẻ thông tin.
Đây là vụ án điểm trong chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dính dáng đến hàng loạt quan chức từ trung ương đến địa phương và khiến hai phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị mất chức.
Ông Dũng là quan chức cấp cao nhất bị truy tố trong giai đoạn một của vụ án. Cơ quan điều tra xác định ông đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp để cấp phép cho các chuyến bay giải cứu với giá vé ‘cắt cổ’ cho các hành khách người Việt bị kẹt lại nước ngoài trong đại dịch COVID-19.
Hôm 10/7, luật sư của ông Dũng là ông Lê Thành Kính đã thông báo với Tuổi Trẻ rằng thân chủ ông đã nộp lại số tiền 16,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.
Cũng theo lời vị luật sư này thì ông Dũng đã nhận thức mình ‘đã sai’ và ‘đã vô cùng ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra’.
“Quá trình công tác, ông Dũng đã có nhiều thành tích, đóng góp, nhưng vì một số sai lầm đã vướng vào vòng lao lý, thực sự rất đáng tiếc,” luật sư Kính được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.
Ra tòa chung cùng với ông Tô Anh Dũng trong đợt này còn có ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh sự, và một số đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola...
Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết các vị quan chức ngoại giao này đã ‘lợi dụng’ chủ trương của Chính phủ về việc giải cứu công dân bị mắc kẹt do đại dịch để ‘gây khó dễ’ cho các doanh nghiệp muốn mở chuyến bay giải cứu với mục đích ‘buộc họ phải chung chi’.
Các doanh nghiệp đã ‘phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ các quan chức này để thỏa thuận và ra giá chung chi cho mỗi chuyến bay giải cứu’.
Riêng bà Nguyễn Thị Hương Lan, cấp dưới ông Dũng, bị xác định nhận hối lộ 25 tỉ - nhiều hơn ông Dũng và nhiều nhất trong nhóm các quan chức ở Bộ Ngoại giao bị truy tố.
Ông Dũng là người trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt các chuyến bay của Bộ Ngoại giao. Còn bà Lan có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia mở các chuyến bay của các doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, 21 quan chức của nhiều bộ ngành ở trung ương cho đến địa phương nhận tiền hối lộ của hơn 100 doanh nghiệp để được giải quyết thủ tục mở các chuyến bay giải cứu.
Số tiền hối lộ lên đến 165 tỉ đồng được trao cho các quan chức hơn 500 lần, theo cáo trạng. Cán bộ được xác định nhận hối lộ nhiều nhất là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế, được xác định nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả điều tra giai đọan một của vụ án.
Diễn đàn