Đường dẫn truy cập

Vụ bê bối Việt Á: Bộ Y tế muốn ‘xử lý nghiêm’; dư luận nói bộ ‘phủi tay’


Việt Nam xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng nhiều lần trong năm qua.
Việt Nam xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng nhiều lần trong năm qua.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 21/12 phát ra thông tin chính thức về sự liên quan của bộ tới vụ bê bối về mua bán các bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á đang gây căm phẫn trong dư luận.

Như VOA đã đưa tin, hồi cuối tuần trước, công an Việt Nam bắt giữ ông Phan Quốc Việt, lãnh đạo của công ty Việt Á với cáo buộc “thổi giá”, “trục lợi” từ việc bán các bộ xét nghiệm trong đại dịch.

Trong văn bản mới được công bố về vụ việc, Bộ Y tế lý giải rằng hồi đầu tháng 3/2020, bộ cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm xét nghiệm do Việt Á làm cùng với Học viện Quân Y.

Tới đầu tháng 12 cùng năm, Bộ Y tế cấp phép cho một bộ xét nghiệm của Việt Á và 4 bộ của các hãng khác. Trong vòng 1 năm kể từ thời điểm đó đến nay, bộ còn cấp phép cho 146 sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam và nước ngoài, bộ nói.

“Tất cả các sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định”, lời giải trình của Bộ Y tế cho hay.

Về vấn đề đang gây phẫn nộ to lớn trong dư luận Việt Nam là Việt Á đã “thổi giá” bộ xét nghiệm bán cho các bệnh viện và các cơ quan phòng chống dịch trên khắp cả nước, thu về ít nhất khoảng 4.000 tỷ đồng và chia chác tiền phần trăm hợp đồng có thể vào khoảng 800 tỷ đồng, Bộ Y tế viện dẫn Luật Giá và nói rằng “trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá”.

Bộ Y tế khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo về mua sắm, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị phòng chống dịch, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm, với tôn chỉ là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ nhấn mạnh trong văn bản vừa được công bố rằng “việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh”.

Riêng về vấn đề bộ xét nghiệm của Việt Á chưa bao giờ được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận, Bộ Y tế Việt Nam nói việc cấp phép của bộ dành cho sản phẩm của Việt Á và các nhà sản xuất khác “không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố”.

Theo quan sát của VOA, dư luận Việt phản ứng một cách tiêu cực trên mạng xã hội về những lý giải của Bộ Y tế, cho rằng bộ “lấp liếm”, “ngụy biện”, “phủi tay”.

Trong những ngày này, báo chí và dư luận Việt lần lại các thông tin hồi đầu năm trước cho thấy hai bộ Y tế và Khoa học-Công nghệ dường như đã dễ dãi cấp phép và quảng bá cho bộ xét nghiệm của Việt Á chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần.

Nhiều người chỉ ra rằng ở thời điểm tháng 3/2020, Việt Nam mới chỉ có chưa đến 20 người nhiễm COVID-19, và đặt nghi vấn liệu Bộ Y tế có đủ các dữ liệu và bệnh phẩm không để kiểm định và cấp phép cho sản phẩm của Việt Á nhanh như vậy.

Họ cũng đặt câu hỏi liệu bộ đã thẩm định năng lực và cơ sở sản xuất của Việt Á hay không vì điều này không được đề cập trong bản giải trình của bộ. Báo chí Việt Nam hôm 20/12 đăng nhiều bài và hình ảnh cho thấy văn phòng đại diện và xưởng sản xuất của Việt Á trông sơ sài, tạm bợ.

Một số người lập luận rằng Bộ Y tế không thể “vô can” khi chính bộ có vai trò trong việc ban hành nhiều công văn thúc ép xét nghiệm “thần tốc”, “trên diện rộng”, và chính bộ cũng đã “giới thiệu” mức giá đã bị thổi phồng là 470.000 đồng/bộ xét nghiệm tới các tỉnh, các đơn vị liên quan để họ mua của Việt Á.

Việc ngành y tế nhiều lần đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, thậm chí áp dụng các biện pháp cưỡng chế xét nghiệm trong một năm qua đã dẫn đến một số vụ việc gây bất bình to lớn và bị lên án là “dã man”, “phi nhân tính”, “vi phạm tự do thân thể” hoặc “xâm phạm tư gia” của công dân.

Dư luận Việt Nam cáo buộc rằng ông Phan Quốc Việt cùng công ty Việt Á không thể dễ dàng lừa dối và bán hàng giá cao nếu không có sự tiếp tay, thậm chí là “bảo kê” của ít nhất là hai bộ Y tế và Khoa học-Công nghệ, bên cạnh đó là sự quảng bá sốt sắng và sai lệch của một loạt các cơ quan truyền thông quan trọng của đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam.

Đó là việc Bộ Khoa học-Công nghệ, các báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhân Dân và một số báo khác của nhà nước Việt Nam vào cuối tháng 4/2020 loan tin rằng bộ xét nghiệm của Việt Á được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận.

Nhưng mới đây đã xuất hiện bằng chứng là WHO chưa bao giờ phê duyệt bộ xét nghiệm của Việt Á, và hôm 20/12 vừa qua, Bộ Khoa học-Công nghệ lên tiếng thừa nhận có sai sót và đã gỡ tin nói về việc WHO phê duyệt.

Trên mạng xã hội đang tràn ngập những lời lên án Việt Á và các bộ, các quan chức liên quan, dư luận gọi đây là tội ác, là vụ bê bối thế kỷ, do những kẻ táng tận lương tâm gây ra, lừa đảo và móc túi người dân cũng như ngân sách nhà nước, làm hại đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân.

Dư luận đòi nhà chức trách Việt Nam phải “bóc gỡ hết đường dây” gồm những người dính líu vào vụ bê bối và “loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội”.

Vụ bê bối Việt Á: Bộ Y tế muốn ‘xử lý nghiêm’; dư luận nói bộ ‘phủi tay’
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:01 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG