Đường dẫn truy cập

Với Trump, các chương trình Mỹ viện trợ nước ngoài có thể thay đổi


Tổng thống tân cử Donald Trump (trái) và ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.
Tổng thống tân cử Donald Trump (trái) và ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.

Nước Mỹ thay đổi Tổng thống có phần chắc những chính sách ngoại giao và viện trợ của Mỹ cũng sẽ thay đổi theo, nhưng thay đổi thế nào thì hiện chưa ai biết được đầy đủ.

Viện trợ nước ngoài sẽ bị Tổng thống và Ngoại trưởng, vốn xuất thân từ những doanh nhân, đặt chất vấn bởi với các doanh nhân đích điểm cuối cùng vẫn là vấn đề lời-lỗ.

Ông Rex Tillerson là người được đề cử giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ. Trong buổi điều trần để được Quốc hội chuẩn nhận, các Thượng nghị sĩ đã hỏi cựu Tổng giám đốc Exxon-Mobil về cách thức làm thế nào ngăn ngừa không để cho viện trợ Mỹ bị lũng đoạn vì các nước ngoài tham nhũng. Ông nói:

“Nếu chúng ta viện trợ cho một quốc gia mà chúng ta biết là có rủi ro, thì điều chúng ta có thể làm để chuyển giao viện trợ này là gì?”

Chắc chắn là Tổng thống tân cử Donald Trump và chính quyền của ông sẽ viện trợ cho những quốc gia cải thiện quyền sở hữu trí tuệ, pháp quyền và chống tham nhũng.

Ông James Roberts thuộc Heritage Foundation tại Washington D.C. nhận định:

“Có quá nhiều viện trợ của các nước phương Tây-như Mỹ, các nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế-cuối cùng chỉ giúp cho những chế độ tham nhũng nắm giữ quyền hành.”

Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Tòa Bạch Ốc và lưỡng viện Quốc hội. Điều này có nghĩa là một số chương trình bị các tổ chức tôn giáo bảo thủ chống đối có thể sẽ bị duyệt xét lại, và có thể bị cắt giảm hay toàn toàn chấm dứt.

Bà Amanda Glassman thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington D.C cho rằng:

“Chắc chắn là có nhiều lo ngại, đặc biệt trong lãnh vực kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, lãnh vực phòng ngừa và chữa trị HIV/AIDS.”

Hoa Kỳ là nước tài trợ lớn nhất trên toàn thế giới. Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry nói Hoa Kỳ cần viện trợ nhiều hơn mức hiện giờ là 34 tỉ đô la trong năm nay.

Ông Kerry kêu gọi thành lập một kế hoạch mới giống như kế hoạch đã giúp tái thiết châu Âu sau Thế Chiến Thứ Hai. Ông muốn kế hoạch này giúp đảm bảo giáo dục cho những người trẻ có nguy cơ trở thành những người theo các phần tử cực đoan Hồi Giáo.

Ông nói:

“Có khoảng 1 tỉ rưỡi thiếu niên trên thế giới dưới tuổi 15. Và có khoảng 400 triệu thiếu niên trong số này không được đi học, và đây là một vấn đề đối với tất cả chúng ta.”

Trong suốt lịch sử nước Mỹ, ngoại giao, phát triển và viện trợ đều được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng. Các nhà ngoại giao Mỹ hy vọng chính quyền ông Trump sẽ nhận ra rằng viện trợ cho nước ngoài cũng quan trọng đối với an ninh và lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG