Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng họ sẽ xem xét yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc công nhận quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế thị trường theo quy trình phù hợp với các quy tắc quốc tế sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi Hoa Kỳ không nên “cứng nhắc” theo quy định trong việc này.
Chính phủ Việt Nam đã gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Thương mại Mỹ về việc xem xét Việt Nam là một nền kinh tế thị trường và Bộ này đã khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh của quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam bị Mỹ định danh là một nền kinh tế phi thị trường kể từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, khiến hàng hóa của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại khi bán sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Trịnh Anh Tuấn, Bộ Công Thương Việt Nam hôm 8/9 đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống bán phá giá đối với mật ong lên Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng việc rà soát hôm 24/10.
“Bộ Thương mại Mỹ sẽ xem xét tình trạng của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ,” một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 23/11, nhắc lại những điều mà Bộ này cho biết trong thông cáo đưa ra khi khởi xướng việc rà soát. “Bộ Thương mại (Mỹ) sẽ có 270 ngày để hoàn thành việc đánh giá kể từ ngày bắt đầu 24/10/2023.”
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện hôm 10/9, các lãnh đạo Việt Nam đã thúc giục Mỹ sớm công nhận Quy chế thị trường của Việt Nam.
Khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco hôm 15/11, Chủ tịch Thưởng đã kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường. Ông Thưởng nói rằng việc này cần được thực hiện “bằng quyết sách chính trị” chứ “không nên theo quy định một cách cứng nhắc.”
Trả lời yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của ông Thưởng, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Bộ sẽ làm theo đúng quy định của luật pháp Hoa Kỳ khi rà soát tình trạng của Việt Nam.
“Điều này sẽ đòi hỏi phải đánh giá chuyên sâu thực tế về 6 yếu tố mà luật pháp yêu cầu chúng tôi phải đánh giá để xác định mức độ tham gia của chính phủ (Việt Nam) vào nền kinh tế, dẫn đến hoạt động phi thị trường,” người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói.
Trong khi 72 quốc gia trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì Mỹ xem Việt Nam là nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa.
Nói về quy định của Mỹ để công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường, ông Tuấn cho biết đây là “một quy trình xem xét chặt chẽ 6 tiêu chí theo quy định pháp luật về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của quốc gia đó.” Các yếu tố này, theo ông Tuấn, bao gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; trong số nhiều yếu tố khác.
Người đứng đầu Cục Phòng vệ Thương mại nói rằng Việt Nam cần tuân theo các quy định pháp luật của Mỹ và cho biết Bộ Công Thương Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham gia quy trình điều tra của Mỹ, theo VietNamNet.
“Bộ Thương mại (Mỹ) đưa ra các quyết định (định danh) nền kinh tế thị trường và phi thị trường thông qua một quy trình công bằng, minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế,” người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi tiếp Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard tại Hà Nội hôm 25/10 đã nói rằng ông đánh giá cao việc Chính phủ Mỹ khởi động việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đề nghị Mỹ sớm hoàn thành quá trình này, theo VietNamNet.
Diễn đàn