Đường dẫn truy cập

Vợ ông Lưu Hiểu Ba kêu gọi Trung Quốc cho bà được tự do


Bà Lưu Hà bị giam lỏng tại gia ở Bắc Kinh mà không bị truy tố kể từ khi chồng bà, ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.
Bà Lưu Hà bị giam lỏng tại gia ở Bắc Kinh mà không bị truy tố kể từ khi chồng bà, ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.
Vợ của khôi nguyên Nobel đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba lên tiếng yêu cầu các giới chức đáp ứng nhu cầu cơ bản của bà sau 3 năm bị giam giữ tại gia. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide có thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Những yêu cầu của bà Lưu Hà đã được những người bạn thân của gia đình công bố trên mạng hôm thứ Ba. Bà Lưu Hà yêu cầu được tự do đi khám bác sĩ, được tiếp xúc với chồng nhiều hơn và được có quyền kiếm sống.

Ông Hồ Giai, một nhà hoạt động ở Bắc Kinh, cũng là bạn thân của vợ chồng bà Lưu Hà. Vợ ông Hồ, bà Tăng Kim Yến, đã giúp chuyển các yêu cầu này tới nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi bà du lịch đến Hong Kong.

Ông Hồ Giai nói rằng những gì bà Lưu Hà cần là điều tối thiểu trong cuộc sống thường nhật và không bị áp bức như là một tù nhân. Ông nói rằng rõ ràng bà Lưu Hà không phạm tội gì và chồng cùng em trai của bà cả hai đã bị tuyên án 11 năm tù giam.

Năm 2009, chồng bà Lưu Hà là ông Lưu Hiểu Ba đã bị tuyên án 11 năm về tội gọi là âm mưu lật đổ chính quyền. Vào năm 2010, gần như ngay sau khi chồng bà được nhận giải Nobel Hòa bình, bà đã bị giam giữ tại gia. Ðầu năm nay, em trai bà Lưu Hà cũng bị kết án 11 năm tù giam về tội lừa đảo. Gia đình nói rằng cáo trạng đó có động cơ chính trị.

Bà Lưu Hà được phép thỉnh thoảng thăm chồng, nhưng bà đã bị cô lập với thế giới bên ngoài, không được sử dụng điện thoại, Internet và thư từ. Lúc nào cũng có nhân viên an ninh canh gác bên ngoài căn hộ của bà và khi có một người nào đó tìm cách đến gặp bà, thì thường là họ bị nhà chức trách bắt giữ.

Ông Hồ cho biết trong lần gặp gần đây với bà Lưu Hà, bà nói rất ít, gần như chỉ khóc và bà gần như sắp gục ngã.

Án tù 11 năm dành cho ông Lưu Hiểu Ba vào năm 2009 đã luôn bị cộng đồng quốc tế lên án và Hoa Kỳ cùng với Liên hiệp châu Âu đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc trả tự do vô điều kiện cho ông. Trung Quốc từ đó đến nay đã không hề có dấu hiệu nới lỏng nào cho bà Lưu Hà và chồng.

Tuy nhiên trong hội nghị trung ương hồi gần đây, các lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách và hoàn thiện hệ thống tư pháp quốc gia.

Bà Lưu Hà và chồng, Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
Bà Lưu Hà và chồng, Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
Một ngày trước chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Trung Quốc vào tuần này, các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi ông đề cập đến trường hợp của bà Lưu Hà và chồng.

Trong một thông báo, các tổ chức nói rằng ông Biden nên áp lực lên các lãnh đạo Trung Quốc để đòi họ thực hiện tốt cam kết về việc cải thiện hệ thống tư pháp và có hành động cụ thể, như trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông.

Bà Maya Wang ở Hong Kong là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch. Bà Wang cho biết như sau.

"Nhân quyền không phải là một lãnh vực riêng biệt mà quí vị có thể nói tới trong các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ là cần phải giải quyết vấn đề. Chúng tôi cho rằng cần phải giải quyết trong những cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước."

Các luật sư nhân quyền ở Turng Quốc nói rằng trong hơn 1 năm qua, hàng trăm luật sư và các nhà hoạt động đã bị chính quyền bắt giam. Hôm thứ Hai, hàng chục luật sư trên cả nước đã đưa ra một kiến nghị trên mạng để kêu gọi chính quyền tuân thủ Hiến pháp và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân Trung Quốc.

Ông Giang Thiên Dũng, một trong những người tổ chức cuộc vận động ký thỉnh nguyện thư, cho biết như sau.

"Chúng tôi muốn dư luận chú ý vào các trường hợp thực tế để chiếu ánh sáng vào những người đã bị giam giữ và những trường hợp giống như ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, là bà Lưu Hà. Ông Lưu Hiểu Ba bị bỏ tù vì chính quyền có vụ án để truy tố ông. Thế nhưng vợ ông thì bị bắt giam bất hợp pháp tại gia bằng các phương tiện bất hợp pháp và vì không có một phiên tòa nào nên bà ấy bị tước đoạt tất cả các quyền của mình."

Ông Giang và các luật sư khác đã trên cơ sở tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác đã được ghi trong Hiến pháp của Trung Quốc để yêu cầu trả tự do cho ông Lưu, vợ ông và các nhà bất đồng chính kiến khác và các luật sư. Họ cũng kêu gọi nhà cầm quyền thành lập một ủy ban thanh tra để xem xét lại các trường hợp này và thiết lập một tòa án quốc gia để xác định một đạo luật, một vụ án hay một qui định có hợp hiến hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG