Đường dẫn truy cập

VN trở thành đối tác thương mại khó tính đối với TQ


Các container của các hãng China Shipping và Cosco được xếp dỡ tại một cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, hồi tháng 7/2018
Các container của các hãng China Shipping và Cosco được xếp dỡ tại một cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, hồi tháng 7/2018

Trung Quốc đang ngày càng thấy Việt Nam là đối tác khó tính khi các công ty Trung Quốc cố gắng có thêm các hoạt động kinh doanh ở nước láng giềng phương nam, cũng là một đối thủ chính trị lâu đời.

Cơ quan lập pháp của Việt Nam, đối mặt với các cuộc biểu tình, đã hoãn đến tháng 5/2019 một dự luật có thể cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng các đặc khu kinh tế. Chính phủ ở Hà Nội cũng cảnh báo về việc nhận các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng. Họ cũng khuyên phải thận trọng với viện trợ phát triển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam đang cho phép gia tăng mạnh các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân với Trung Quốc vì điều đó có lợi cho đất nước, theo các chuyên gia. Một dấu hiệu của xu hướng đó là các công ty Trung Quốc đang mở các nhà máy ở Việt Nam để né cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, ông Maxfield Brown, chuyên viên cao cấp của hãng tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Trong một diễn biến khác, các công ty dọc theo biên giới hai nước có thể giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ Trung Quốc từ tháng 10 cùng lúc với sự gia tăng về trao đổi thương mại, báo Việt Nam News đưa tin hồi tháng 8.

"Nhìn chung, tôi cho rằng quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ mạnh hơn trong 5 năm tới một phần vì Mỹ có thái độ 'Nước Mỹ trên hết' so với Châu Á-Thái Bình Dương, ngoài ra đơn giản là vì có nhiều lợi ích kinh tế [giữa Việt Nam và Trung Quốc]", ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng tại Mekong Economics ở Hà Nội, nói.

Các thỏa thuận nhanh chóng mang lại lợi ích cho người Việt mà không có nguy cơ trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát nền kinh tế của Việt Nam sẽ được thực hiện, còn những thỏa thuận khác sẽ đối mặt với sự phản ứng dữ dội, các nhà phân tích tiên liệu.

"Lý do mà dòng vốn đầu tư của Trung Quốc tăng lên ở Việt Nam lại đáng chú ý là vì điều đó đang diễn ra bất chấp thái độ tiêu cực của công chúng Việt Nam về sự ảnh hưởng kinh tế và sự thâm nhập của Trung Quốc", ông Fabrizio Bozzato, một nghiên cứu sinh chuyên ngành Đông Á tại Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, nhận xét.

Người Việt Nam muốn "hành động kinh tế" nhưng không muốn trở thành "một chư hầu của Trung Quốc", ông McCarty nói.

Việt Nam của ngày hôm nay "thận trọng" đối với việc đăng ký xin vay từ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, viết trong một bài nghiên cứu hồi tháng 3.

Sáng kiến Vành đai-Con đường là một chiến dịch trị giá 1 nghìn tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng và các tuyến đường thương mại chạy quanh vùng Á-Âu.

Việt Nam có thể thăm dò sáng kiến của Trung Quốc bằng cách nộp đơn xin vay cho "một vài dự án thí điểm", ông Hiệp nói. Trung Quốc quan tâm đến việc Việt Nam phản ứng như thế nào, ông nói thêm. "Sáng kiến Vành đai-Con đường liên quan đến vị thế ngày càng tăng Trung Quốc như là một cường quốc nhân từ, nên sự ủng hộ về ngoại giao của Việt Nam dành cho họ vẫn sẽ có tầm quan trọng đối với Trung Quốc", ông Hiệp nói.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 7,7% tổng số đầu tư nước ngoài, đạt 1,88 tỷ đô la vào năm 2016. Thương mại với Trung Quốc đạt 93,8 tỷ đô la năm ngoái và tăng thêm 28,8% trong nửa đầu năm 2018.

Các nhà phân tích tại Việt Nam nói rằng các công ty Trung Quốc đang mở các nhà máy ở Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, để tránh phải trả thuế xuất khẩu cao hơn mà Hoa Kỳ đánh vào hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc. Các khoản đầu tư này phục vụ cho lợi ích của Việt Nam vào lúc họ tìm cách thu hút đầu tư vào các nhà máy để duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6,8% đã đạt được hồi năm ngoái.

VOA Express

XS
SM
MD
LG