Một mặt Việt Nam liên tục than phiền rằng là một trong những quốc gia sẽ bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng một mặt lại chuẩn bị nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), loại liệu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính càng làm tăng biến đổi khí hậu.
Thay vì thúc đẩy mạnh năng lượng tái tạo, Việt Nam lại có kế hoạch bắt đầu sử dụng LNG lần đầu tiên vào năm 2020. Quyết định sử dụng LNG là một bài toán đau đầu cho các quốc gia về việc cân bằng giữa chi phí năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương giải thích rằng vì nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn cung năng lượng trong nước không thể theo kịp nhu cầu tiêu thụ điện.
“Việt Nam từng sản xuất và xuất khẩu năng lượng trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào năm 2015, chúng tôi đã trở thành nhà nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là nhập than và khí đốt tự nhiên.”
Đối với Việt Nam, LNG là một lựa chọn, một phần là vì các nhà hoạch định chính sách tin rằng ngành năng lượng tái tạo bị hạn chế, khó phát triển.
Ông Lực nói rằng Việt Nam đã khai thác gần hết các tiềm năng thủy điện, trong khi đó khí đốt tự nhiên thì có giá thành rẻ hơn so với năng lượng gió hay năng lượng mặt trời.
Việc sử dụng LNG cũng đang được thảo luận vì Hoa Kỳ muốn quảng bá bán sản phẩm này cho Việt Nam, điều này sẽ cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu thêm nhiên liệu hóa thạch sang Việt Nam.
Tại một cuộc hội thảo vào tuần trước về khí tự nhiên, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo về tình trạng thiếu năng lượng sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam.
Cũng tại hội thảo này, chuyên gia kinh tế môi trường Lê Việt Phú cho biết Việt Nam cần một nguồn năng lượng hỗn hợp đa dạng. Ông nói Việt Nam sẽ không từ bỏ năng lượng than, nhưng sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên ít gây ô nhiễm hơn so với than, đồng thời các nguồn năng lượng thay thế khác được được phát triển.
Trong khi đó các nhà hoạt động môi trường khuyến cáo rằng Việt Nam không nên từ bỏ năng lượng thay thế, bao gồm nguyên liệu sinh khối.
Nhóm vận động môi trường CHANGE viết trên blog của mình: “Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tiềm năng lớn nhất trong cả nước về các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối, khu vực có nhiều giờ có ánh nắng và dồi dào các phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, cám gạo và trấu.”