Trang Facebook mang tên Thông tin Chính phủ của Việt Nam thông báo rằng Bộ Giao thông-Vận tải hôm 24/9 quyết định hủy việc sơ tuyển nhà thầu quốc tế cho 8 đoạn của cao tốc Bắc-Nam, thay vào đó sẽ tổ chức đấu thầu trong nước.
Trong tháng 6 và 7, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) “chấm thầu” 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển nhà đầu tư quốc tế cho 8 dự án xây các đoạn cao tốc, trang Thông tin Chính phủ cho hay. Kết quả là 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư, và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
“Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao”, theo thông báo đăng trên Thông tin Chính phủ.
Đường Bắc-Nam rất quan trọng, một công trình có tính chất cốt lõi, nền tảng để thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam lại rơi vào tay Trung Quốc thì làm cho công luận hết sức lo ngại. Tôi hoan nghênh quyết định của Bộ GTVT là đã hủy kết quả đấu thầu lần trước và lần này chỉ đấu thầu các công ty trong nước.Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Từ kết quả kể trên, Bộ GTVT ra quyết định “hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế”, thay vào đó, bộ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức “đấu thầu rộng rãi trong nước” để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, vẫn theo Thông tin Chính phủ.
Bản thông báo nói thêm rằng quyết định của bộ đặc biệt nhắm đến “phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước” tham gia đầu tư và “phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam” trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
8 đoạn cao tốc được đề cập ở trên chạy qua các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự kiến tổng mức đầu tư cho các đoạn này là khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Quyết định của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) nhanh chóng được một lượng người đông đảo chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút nhiều lời khen ngợi dành cho bộ. Họ cho rằng bộ đã “lắng nghe”, “cầu thị” sau khi có nhiều tiếng nói phản đối việc các nhà thầu Trung Quốc xây dựng hạ tầng ở Việt Nam, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc gây ra vô số điều tiếng trong lĩnh vực này.
Mạng xã hội vừa rồi đã lên tiếng khá tích cực. Điều rất mừng là lãnh đạo Bộ GTVT đã biết lắng nghe.Nhà báo Nguyễn Như Phong
Nhà báo Nguyễn Như Phong, từng là lãnh đạo các báo Petrotimes và Công an Nhân dân, nói với VOA rằng thật dễ hiểu về thái độ của người dân sau một loạt các công trình bê bối của các nhà thầu Trung Quốc mà nổi bật là dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông “đội giá, quá chậm, chất lượng rất xấu” ở Hà Nội.
Theo nhà báo kỳ cựu này, sức ép dư luận có tác động lớn đến quyết định mới đây của Bộ GTVT. Ông Phong nói:
“Dư luận lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thắng thầu và sẽ xảy ra những vụ tương tự như vụ đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Mạng xã hội vừa rồi đã lên tiếng khá tích cực. Điều rất mừng là lãnh đạo Bộ GTVT đã biết lắng nghe. Sẽ không có ai thừa nhận rằng ‘chúng tôi hủy kết quả thầu là có một phần tác động của mạng xã hội’. Họ sẽ không nói cái điều ấy đâu, tự chúng ta hiểu lấy thôi”.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng tiếng nói công luận có tầm quan trọng đáng kể trong vấn đề này. Ông Doanh nói với VOA:
“Đường [cao tốc] Bắc-Nam rất quan trọng, một công trình có tính chất cốt lõi, nền tảng để thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam lại rơi vào tay Trung Quốc thì làm cho công luận hết sức lo ngại. Tôi hoan nghênh quyết định của Bộ GTVT là đã hủy kết quả đấu thầu lần trước và lần này chỉ đấu thầu các công ty trong nước”.
Cả tiến sĩ Lê Đăng Doanh và nhà báo Nguyễn Như Phong đều bày tỏ tin tưởng rằng các công ty Việt Nam có đủ năng lực về thi công lẫn tài chính để thực hiện các dự án. Ông Doanh nói thêm là trong trường hợp cần huy động vốn thêm, các tập đoạn trong nước có thể bán trái phiếu doanh nghiệp với sự trợ giúp, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.
Qua bản thông báo đăng trên trang Thông tin Chính phủ, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh rằng quyết định của bộ về thay đổi cách thức sơ tuyển có liên quan đến “bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp”. Cùng lúc, động thái của bộ còn nhằm “đảm bảo an ninh quốc phòng”, vẫn theo bản thông báo, song Bộ GTVT không cung cấp thêm chi tiết.
Liên hệ đến các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 2 tháng qua, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS - Yusof Ishak đặt ở Singapore đặt câu hỏi phải chăng quyết định của Bộ GTVT là “một trong những biện pháp đáp trả của Việt Nam đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Tư Chính?”
Như tin đã đưa, Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất đến hoạt động tại Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 7. Từ đó đến nay, tàu của Trung Quốc thực hiện 3 đợt khảo sát, gây ra một số cuộc đấu khẩu ngoại giao giữa hai nước láng giềng.
Có tin đợt khảo sát thứ 3 vừa kết thúc. Trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông cho biết đội tàu Trung Quốc gồm tàu Hải Dương Địa Chất 8 và 4 tàu hộ tống đã “bất ngờ rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về Đá Chữ Thập” vào sáng sớm ngày 22/9.
Góp tiếng nói bình luận về việc Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển nhà thầu cho các đoạn cao tốc Bắc-Nam, tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu, một Facebooker có khoảng 40.000 người theo dõi, khẳng định “chính truyền thông xã hội đã đưa tiếng nói của hàng chục triệu người dân Việt Nam đến với lãnh đạo nhà nước, để rồi cuối cùng sự sáng suốt đã chiến thắng”.
Nhìn ra bình diện rộng hơn, vị tiến sĩ mong lãnh đạo nhà nước Việt Nam cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của hơn 95 triệu người dân Việt, nhất là về các vấn đề tối quan trọng gồm “bảo vệ chủ quyền biển đảo” và “chọn đường đi cho Đất Nước”.