Các cánh rừng ở các tỉnh trung bộ Việt Nam đang cháy dữ dội do thời tiết nắng nóng, làm ít nhất một người chết và buộc chính quyền phải huy động gần 5 ngàn người dân địa phương để tham gia dập lửa “theo kiểu du kích” và “chưa sử dụng” máy bay chữa cháy.
Chiều ngày 1/7, khi thị sát cháy rừng ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ nói rằng việc chữa cháy bằng máy bay hiện “không khả thi.”
Báo Thanh Niên trích lời ông Huệ nói: “Phương án hiệu quả nhất là thực hiện chữa cháy theo kiểu du kích, dùng máy cưa xăng để tạo đường băng cản lửa, cô lập đám cháy và dùng máy thổi để dập tắt đám cháy.”
“Vừa rồi, có ý kiến đề nghị chúng tôi điều động trực thăng của Binh đoàn 18 - Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) vào Hà Tĩnh để tham gia chữa cháy rừng, nhưng do phạm vi xảy ra cháy rừng quá rộng và gió Lào thổi mạnh nên máy bay trực thăng đi cũng rất nguy hiểm. Do vậy, phương án này cũng được Chính phủ nghiên cứu, tính đến nhưng chưa sử dụng đến vì không khả thi,” báo Thanh Niên trích lời ông Huệ nói.
Công điện của Bộ Công an hôm 29/6 nói, những ngày gần đây, đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng do bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...
Hôm 1/7, báo Pháp Luật Online dẫn lời ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết: “Công tác chữa cháy rừng ở nước ta khó có thể sử dụng máy bay trực thăng. Vì gió Lào thổi mạnh cộng với địa hình đồi núi nên việc sử dụng máy bay rất nguy hiểm.”
Trong khi đó tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Hoa, 55 tuổi, đã tử vong khi tham gia tiếp nước chữa cháy rừng, theo TTXVN.
Từ huyện Nam Đàn, ông Lương Văn Quang, người dân địa phương nơi xảy vụ cháy rừng, nói với VOA:
“Chị Hoa tham gia chữa cháy ngay chỗ đèo dốc, gió thổi mạnh, lửa lớn, rừng vọt dễ cháy… Chị theo chồng dập tắt đám ngọn lửa thì bị rớt vào đám cháy….”
Ông Quang cho biết, đến cuối ngày 1/7, đám cháy rừng tại xã Nam Kim đã được lực lượng chức năng khống chế.
Truyền thông Việt Nam cho biết, trong 2 ngày 29 và 30/6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng, trong đó có xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp; xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn; xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương; xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu… với hơn 1 ngàn người dân tham gia dập đám cháy.
Sáng ngày 30/6, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê từ 27 – 29/6, tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế liên tiếp xảy ra 17 vụ cháy rừng lớn và chính quyền các địa phương đã huy động trên 4.700 người tham gia dập lửa, theo báo Thanh Niên.
Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra cháy hàng trăm hécta rừng của 4 huyện với hơn 60ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ bị thiêu cháy.
Ông Quang nói năm nào vào mùa nắng khu vực này “cũng bị cháy” và việc người dân tham gia cứu các cánh rừng là “rất quan trọng”.
Trước đó, hôm 24/4/2019, trang web của Công ty Trực thăng Miền Nam (VNH) thuộc Tổng Công ty trực thăng Việt Nam của Bộ Quốc Phòng cho biết, công ty này đã ký hợp đồng cho thuê trọn gói máy bay Mi – 172 nhằm phục vụ bay chở người, hàng hóa và cứu hỏa tại Indonesia với Công ty PT. National Utility Helicopters (NUH). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 5/2019 và kéo dài 3 năm, theo VNH.
Các blogger hôm 1/7 lên tiếng về tuyên bố của các lãnh đạo Việt Nam về chuyện “chữa cháy rừng bằng trực thăng không khả thi”.
Blogger Duy Nguyễn viết trên Facebook: “Thì ra đã ký hợp đồng chữa cháy 3 năm với Indo nên không có ở nhà.”
Blogger Bình Thế Nguyễn dẫn thông cáo chí việc Việt Nam cho Indonesia thuê máy bay chữa cháy và nhận định rằng: “Ai đó nói Việt Nam chưa có điều kiện chữa cháy rừng bằng máy bay trực thăng là ngụy biện.”
Vào chiều ngày 1/7, báo Tuổi Trẻ loan tin một khu rừng keo của một doanh nghiệp ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, đã bất ngờ bốc cháy.