Một cuộc nghiên cứu về dịch cúm A/H1N1 ở Sài Gòn cho thấy rằng việc giới hữu trách quyết định kiểm tra thân nhiệt của hành khách nước ngoài đến phi trường Tân Sơn Nhất có thể đã làm cho sự lây lan của vi rút trong các cộng đồng dân cư bị trễ vài tuần.
Bản tin hôm thứ ba của CIDRAP News trích dẫn một báo cáo đăng tải trên tạp chí y học PLoS Medicine cho biết vào hạ tuần tháng tư năm 2009, không lâu sau khi vi rút H1N1 được phát giác, giới hữu trách Việt Nam đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt của hành khách máy bay và yêu cầu họ điền mẫu đơn về các triệu chứng bệnh.
Đến trung tuần tháng 7 vi rút H1N1 mới bắt đầu lây lan trên diện rộng ở Sài Gòn.
Một trong những người thực hiện cuộc nghiên cứu này là Bác sĩ Maciej Boni của Đại học Oxford. Ông cho biết rằng biện pháp ngăn chận đó dường như đã làm cho sự bùng phát của dịch bệnh bị trễ ít nhất là 3 tuần lễ.
Ông Boni nói thêm rằng tuy khoảng thời gian đó không dài, nhưng ở một nước như Việt Nam thì khoảng thời gian đó rất quí báu vì nó giúp cho giới hữu trách nắm bắt tình hình và bắt đầu chuẩn bị các biện pháp để ứng phó với đại dịch.
Kết quả cuộc nghiên cứu không chứng minh là các biện pháp ngăn chận của Việt Nam đã thật sự làm trì hoãn sự bộc phát đại dịch, và các nhà nghiên cứu nói rằng họ đang nghiên cứu thêm để xác nhận hoặc loại bỏ kết luận sơ bộ của họ đối với vấn đề này.
Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình kiểm tra ở phi trường vào ngày 27 tháng tư năm 2009, khi Tổ chức Y tế Thế giới nâng mức báo động đại dịch lên cấp 4. Từ đó cho đến ngày 9 tháng 7, có khoảng 630.000 hành khách từ nước ngoài đến phi trường Tân Sơn Nhất. Các thủ tục kiểm tra đã giúp giới hữu trách phát giác 967 ca nghi nhiễm, trong đó có 200 hành khách được xác nhận là nhiễm H1N1 và được cách ly điều trị.
Báo cáo vừa kể được công bố một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới loan báo một tin vui là vi rút cúm A/H1N1 đã không biến thể thành dạng vi rút gây chết người nguy hiểm hơn.
Các số liệu thống kê cho thấy có hơn 18 ngàn trường hợp tử vong vì dịch cúm H1N1 từ năm ngoái đến nay. Con số này thấp hơn nhiều so với số người chết trong hai đợt đại dịch cúm xảy ra trước đó vào năm 1957 và 1968.
Nguồn: CIDRAP News, PLoS Medicine
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1