Thủ tướng Việt Nam đánh giá rằng hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đầu “chưa tương xứng với nguồn lực” dù họ có lãi trong năm 2022. Lời nhận xét của ông Phạm Minh Chính được đưa ra hôm 18/3 khi ông chủ trì cuộc họp với một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tin tức của báo chí trong nước về cuộc họp cho hay 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lãi trước thuế là 3,5 tỷ đô la trong năm 2022, tăng 23% so với năm trước. Tuy nhiên, đó là so sánh với thời kỳ Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19. Còn nếu so với năm 2018, tổng lãi trong năm 2022 chỉ bằng 75,16%.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng tài sản hợp nhất của các doanh nghiệp này là trên 2,44 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 103 tỷ đô la. Số doanh nghiệp này chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư nhà nước.
Một phép tính đơn giản cho thấy rằng với lợi nhuận trước thuế gần 83 nghìn 170 tỷ đồng, tức hơn 3,5 tỷ đô la, tỷ suất lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ là gần 3,4%.
Thủ tướng Chính đánh giá rằng nguồn lực đổ vào các doanh nghiệp đó thực sự “lớn” nhưng đóng góp của họ “chưa tương xứng”. “Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với nguồn lực nắm giữ”, vẫn lời ông Chính, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Nhà quan sát Dương Quốc Chính có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói với VOA hôm 20/3 rằng 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tỏ ra gần như vô tích sự vì chỉ lãi hơn 3,5 tỷ đô năm 2022, trong khi kiều hối của cùng năm đã là 19 tỷ đô la, riêng thành phố Hồ Chí Minh nhận lượng kiều hối đã là 6,8 tỷ đô la, gần gấp đôi tiền lãi của số các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu.
Ông Chính lưu ý rằng đa phần kiều hối của Tp.HCM là từ những người thường bị miệt thị là “dân ba que, đu càng, nail tộc”, hàm ý nói đến nhiều người phải bỏ chạy khỏi miền nam khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ trước chiến dịch tấn công của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1975; về sau, trong số những người di tản, có nhiều người làm nghề chăm sóc móng tay, móng chân ở Mỹ.
Nhấn mạnh thêm vào sự tương phản, ông Chính chỉ ra với VOA rằng 19 đại doanh nghiệp nhà nước nắm tổng tài sản 2,44 triệu tỷ đồng là nguồn lực quốc gia song khoản lãi nhỏ bé cho thấy các doanh nghiệp đó thật “ăn hại”; ngược lại, kiều bào - gồm thuyền nhân vượt biên trước đây và nay là các di dân lậu hoặc những người Việt lao động phổ thông ở nước ngoài hầu như không có vốn liếng trong tay - đã mang về kiều hối nhiều gấp hơn 5 lần số tiền lãi nêu trên.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người có đồng quan điểm và ủng hộ cách nhìn nhận của ông Dương Quốc Chính.
Trong khi đó, từ góc nhìn của tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế này nói với VOA hôm 20/3 rằng so sánh lãi của các tập đoàn nhà nước với kiều hối là “khập khiễng” và cần xét đến thực tế là vai trò trọng yếu của các tập đoàn nhà nước, hiện chiếm khoảng 1/3 GDP và nằm trong những lĩnh vực rất quan trọng cho kinh tế Việt Nam, không phải là tìm kiếm lợi nhuận mà còn phục vụ nhiều mục tiêu khác.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Ánh bình luận với VOA rằng cần đẩy nhanh việc đổi mới, sắp xếp lại một số doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ lợi nhuận không cao. Ông điểm lại rằng đã có một chương trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần hóa hoặc thậm chí giảm bớt quy mô của khu vực nhà nước, tuy nhiên, tiến trình đó diễn ra “khá là chậm”.
Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu, đánh giá lại các hoạt động đổi mới, xắp sếp, chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân đã diễn ra để tránh tình trạng có thể thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, và “chưa chắc việc quản trị doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ tốt hơn, do một số vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh chẳng hạn”, tiến sĩ Ánh nhận định với VOA.
Một cản trở khác đối với việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước là Việt Nam hiện chưa có công cụ nào hữu hiệu để can thiệp vào những ngành nghề quan trọng trong trường hợp các ngành nghề đó không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, vẫn theo lời vị tiến sĩ.
“Phải củng cố, triển khai được công cụ quản lý được nền kinh tế khi các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, chuyển sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thì lúc đó mới đẩy nhanh được tiến độ đổi mới doanh nghiệp nhà nước”, ông Ánh phân tích.
Do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Việt Nam có quy mô rất lớn và hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, họ sẽ chỉ cổ phần hóa ở các công ty con và cũng chỉ cổ phần hóa một phần chứ không chuyển sang tư nhân hóa 100%, tiến sĩ Ánh nói thêm với VOA.
Góp ý về cải cách hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, ông Ánh đưa ra gợi ý: “Để phát triển, có thể cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các ngành, các khu vực mà doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vị thế độc quyền, có thể tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy chính các doanh nghiệp nhà nước đó cải cách để nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, so với mức độ thấp hiện nay tính trên tài sản mà họ nắm giữ”.
Diễn đàn