Việt Nam vừa cấp phép cho tập đoàn lớn nhất nước, Vingroup, xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ngay tại Hà Nội, giữa lúc đợt dịch thứ 4 đang hoành hành trên cả nước và số lượng người được tiêm chủng đầy đủ chỉ khoảng 2% dân số.
Tin cho hay dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 là 1 trong 5 dự án trọng điểm mà Việt Nam cho phép hoạt động trong thời gian phong toả và giãn cách xã hội đang được áp dụng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hơn một nửa tỉnh thành trên cả nước.
Được đặt tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nhà máy do công ty con của Vingroup là Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart làm chủ đầu tư, với công suất dự kiến 100 – 200 triệu liều vaccine/năm. Vingroup thành lập Vinbiocare vào đầu tháng 6/2021, với danh mục đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực dược phẩm.
Nhà máy của Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, và dự kiến sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8, sau đó sẽ đưa vào sản xuất và có mặt trên thị trường vào đầu năm 2022.
Được biết, vaccine mà Vingroup nhận chuyển giao từ công ty Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA, tương tự như vaccine Pfizer, nhưng được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, dễ dàng và thuận tiện hơn so với Pfizer phải bảo quản ở nhiệt độ -75 đến -85 độ C.
Trong một diễn tiến khác, hôm 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế xem xét và sớm cấp phép cho Nanocovax, một loại vaccine COVID-19 do Việt Nam tự bào chế, để có thể sớm đưa vào sử dụng, giữa bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguồn cung vaccine khan hiếm trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng.
“Trong bối cảnh cấp bách phải xem xét cấp phép nhanh để sớm đưa vaccine vào sử dụng. Yêu cầu an toàn là số một nhưng thủ tục phải nhanh trong tình hình cấp bách hiện nay”, VnExpress dẫn lời ông Phúc nói khi yêu cầu Bộ Y tế cải cách thủ tục hành chính và rút ngắn quy trình sản xuất vaccine.
Theo Bộ Y tế, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 546.000 người trong tổng số 98 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực, so với Campuchia đã đạt hơn 40%, Thái Lan hơn 17%, Indonesia gần 17%.