Một đại diện của Bộ Công thương Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ thông tin tập đoàn Nike của Mỹ chuyển ra khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia vì tác động của đại dịch COVID-19.
“Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành, CEO của Nike khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác”, báo Lao Động dẫn lời ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh thừa nhận trong thời gian qua, Nike đã “chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác” để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ sản xuất.
Truyền thông quốc tế gần đây liên tục đưa tin về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn cầu do ảnh hưởng của lệnh phong toả, cách ly ở các nước, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tuần trước, CNN, New York Times, Reuters đều dẫn nguồn tin từ đại diện các nhãn hiệu giày dép, quần áo lớn như Nike, Addidas, Under Armour, PacSun… cho biết về tình trạng đóng cửa các nhà máy kéo dài tại Việt Nam trong những tháng qua đã gây tác động nặng nề lên nguồn cung hàng hoá của họ, khiến các tập đoàn này phải tính toán đến phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Riêng Nike cho biết họ vừa phải cắt giảm dự báo bán hàng vì lý do bị mất 10 tuần sản xuất tại Việt Nam, kể từ giữa tháng 7, và việc mở cửa trở lại dự kiến sẽ bắt đầu theo từng giai đoạn vào tháng 10, New York Times tường thuật.
Nike sản xuất khoảng 3/4 sản lượng giày ở Đông Nam Á, với 51% sản xuất tại Việt Nam.
CNN hôm 2/10 dẫn lời Giám đốc tài chính Matthew Friend của Nike cho biết ngay cả khi các nhà máy bắt đầu mở cửa trở lại kể từ tháng 10, thì có thể phải mất đến vài tháng để tăng cường sản xuất đầy đủ trở lại. Ông Friend cũng cho biết một nửa số nhà máy sản xuất quần áo của Nike tại Việt Nam hiện đã đóng cửa.
“Các nhãn hàng đều rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm khi mà vaccine chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi mà việc thực hiện ‘3 tại chỗ’ là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân”, báo Lao Động dẫn lời bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – thừa nhận về thất bại của chính sách phòng dịch của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), 88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bắt đầu từ tháng 4 ở Việt Nam.
Hiện nay, các tỉnh thành Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai đang nỗ lực phối hợp với tập đoàn Nike để có thể triển khai hoạt động ngay chuỗi sản xuất ở các nhà máy trong khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là tại Bình Dương, nơi có chuỗi sản xuất với 20 doanh nghiệp của Tập đoàn Nike.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn hôm 7/10 nói với báo chí rằng lãnh đạo Tập đoàn Nike khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất tại Bình Dương, đồng thời cho biết một số lao động làm việc tại các nhà máy của Nike về quê, nay đã quay trở lại làm việc trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, CNN dẫn dự báo của các chuyên gia và đại diện của tập đoàn Nike, PacSon… cho rằng Việt Nam sẽ phải mất từ 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Và khi quay trở lại, các nhà máy lại phải đối diện với một thách thức tiếp theo là làm sao để thu hút trở lại đủ số lượng nhân công để phục vụ sản xuất, sau cuộc di cư của hàng triệu công nhân khỏi các trung tâm sản xuất lớn.