Tin tức về virus Zika ngày càng đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu cho hay virus này có thể lưu trú trong mắt bệnh nhân và có bằng chứng cho thấy trong nước mắt động vật có virus Zika, nhưng chưa rõ khả năng lây lan Zika từ nước mắt như thế nào.
Khoảng 1/3 các em bé chào đời bị nhiễm virus Zika bị viêm mắt, đôi khi gây mù lòa.
Đối với người lớn, các chuyên gia cho biết Zika có thể gây nhiễm trùng mắt, kể cả viêm giác mạc và viêm màng mạch nho, cho 15% những người có triệu chứng Zika.
Để xử lý vấn đề tốt hơn, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mắt của một con chuột thí nghiệm bị nhiễm Zika và khám phá rằng chúng bị nhiễm trùng mắt nhiều dạng, theo Giáo sư Michael Diamond thuộc Đại học Washington.
Ông cho biết:
“Có nhiều phần trong mắt: giác mạc, mống mắt, võng mạc. Tất cả những phần này dường như đều có liên đới với virus, trong các tế bào cụ thể, ngay cả chất lỏng liên quan đến mắt cũng thế. Cho nên, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu xem liệu có virus trong nước mắt hay không.”
Toán nghiên cứu của Giáo sư Diamond tìm thấy có chất liệu gen trong nước mắt và vẫn lưu lại trong nước mắt các chú chuột thí nhiệm 28 ngày sau khi các khoa học gia cho chúng nhiễm Zika.
Người ta biết rằng một số dịch lỏng trong cơ thể như tinh dịch và nước bọt có thể chứa virus Zika và có thể lây truyền bệnh. Nhưng khi các nhà nghiên cứu tìm cách dùng nước mắt các chú chuột nhiễm Zika để truyền bệnh cho một nhóm động vật gặm nhắm thì không thành.
Giáo sư Diamond nói điều này không có nghĩa là nước mắt người bệnh Zika không có khả năng truyền bệnh. Thật ra, các chất lỏng cơ thể bị nhiễm virus chính là lý do lây lan nhanh chóng virus Zika, nhanh hơn cả dự đoán của giới khoa học dựa trên số lượng virus tìm thấy trong máu người.
Giáo sư Diamond và các đồng nghiệp đang cộng tác với các thầy thuốc đang điều trị bệnh nhân Zika ở châu Mỹ Latin, Puerto Rico, và Florida để lấy mẫu nước mắt của bệnh nhân để xét nghiệm.
Giáo sư Diamond cho biết:
“Sau khi xét nghiệm mới biết được liệu nước mắt có chứa đủ lượng virus để lây truyền bệnh hay không hay quá ít không truyền bệnh được. Dẫu như thế thì kết quả xét nghiệm vẫn có thể được dùng cho công tác chẩn đoán.”
Giáo sư Diamond nói xét nghiệm chất dịch cơ thể, kể cả nước mắt, có thể là cách đơn giản và không gây đau để chẩn đoán lây nhiễm Zika.
Khám phá cho thấy virus Zika lưu trú trong mắt cũng gợi ra những điều cần suy xét trong việc cấy tế bào mắt từ người hiến tặng quá cố cho người bị hỏng thị lực. Khám phá này được đăng tải trên tạp chí Cell Reports.
Nếu một thai phụ bị nhiễm Zika, thai nhi có nguy cơ bị sinh ra với dị tật đầu nhỏ, nghĩa là đầu và não bị teo nhỏ bất thường có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và thậm chí là tử vong.
Virus Zika cũng có thể gây ra hội chứng Guillain-Barre nơi người lớn.