Trà Mi: Trà Mi rất vui hôm nay có dịp được trò chuyện với một người được vinh danh là ‘Champion of Change’, tức một quán quân tạo ra sự thay đổi. Nhưng đối với những bạn Việt Nam chưa được biết tới Thạch, bạn sẽ giới thiệu với họ về mình thế nào?
Thạch Nguyễn: Em cùng cha mẹ và các anh em di cư tới Mỹ năm em lên 4 tuổi. Em đã ao ước được vào đại học danh tiếng đại học UCLA từ hồi còn nhỏ và đã nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ này. 4 năm học ở trường, ngoài chú tâm đèn sách em còn tích cực giao lưu, học hỏi, và tích lũy kinh nghiệm từ các hoạt động ngoại khóa, và từ đó, thành lập tổ chức ‘Swipes for the Homeless’ phục vụ người nghèo. Em tốt nghiệp đại học năm ngoái. Lúc gia đình em mới sang Mỹ rất là nghèo. Nhiều người không có tiền hoặc có rất nhiều khó khăn phải chống chọi trong đời sống như gia cảnh của em lúc mới tới đây thường bị mất phương hướng và gục ngã, nhưng ba mẹ em hay khuyên em rằng chớ nên để khó khăn làm chùng bước mà phải lấy đó làm động cơ mà phấn đấu vươn lên để đạt được những gì mình mong muốn.
Trà Mi: Bạn nói lúc mới sang Mỹ gia đình bạn rất khó khăn. Cho mình hỏi thăm những khó khăn đó cụ thể như thế nào?
Thạch Nguyễn: Gia đình em phải trải qua thứ nhất là các khó khăn về tình cảm gia đình trong một thời gian dài, dẫn tới kết cục là ba mẹ em ly hôn. Thứ hai là khó khăn về tài chính. Tuổi thơ của em trải qua trong những ngày tháng thiếu thốn, không được may mắn như nhiều người. Thời gian ở đại học, em phải làm thêm 3 công việc ngoài giờ học để đỡ gánh nặng cho ba mẹ. Bây giờ khi các anh em của em đã lớn lên, khó khăn tài chính trong nhà cũng giảm bớt vì tụi em cũng xoay sở tự lo cho mình được.
Trà Mi: Sinh trưởng trong một gia đình rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, bằng cách nào bạn vươn ra trở thành người lãnh đạo có thể giúp được nhiều người khó khăn khác trong xã hội?
Thạch Nguyễn: Thạch cũng có nói về điều này trong bài diễn văn với Tổng thống Obama rằng em thật sự tin rằng mình là người rất may mắn vì cho dù em sinh trưởng trong sự nghèo khó, nhưng em vẫn còn có được thức ăn hằng ngày, có nhà cửa, và được gia đình thương yêu. Thời còn đi học, em thường so sánh với các bạn cùng lớp và cảm thấy tự ti và bất an khi thấy bạn bè có nhà đẹp, đi xe sang, ăn mặc đồ hiệu. Còn em thì luôn mặc quần áo hạ giá và không bao giờ muốn mời bạn bè tới nhà chơi vì em không có nhà đẹp. Nhưng càng lớn em càng nhận ra rằng em đã quá may mắn vì có được nước sạch, thức ăn, và nơi ở trong khi còn rất nhiều người không có được diễm phúc này. Điều này đã khơi dậy trong em một sứ mạng muốn giúp mọi người đều có được những điều kiện tối cần thiết này.
Trà Mi: Đó là những điều biến bạn từ một thanh niên bình thường, nghèo khó trở thành một quán quân về lòng hảo tâm và tinh thần lãnh đạo. Nhưng làm thế nào bạn có thể biến ý tưởng của mình thành hiện thực?
Thạch Nguyễn: Có hai lý do. Thứ nhất, trước khi khởi sự tổ chức ‘Swipes for the Homeless’, em hoạt động rất tích cực và năng nổ trong đại học. Em làm việc trong phòng tư vấn sinh viên, em coi sóc tình hình sinh viên trong ký túc xá, em tham gia rất nhiều nhóm sinh hoạt của sinh viên, em rất hăng say trong các công tác khích lệ sinh viên. Sau khi em được vinh danh ở Tòa Bạch Ốc, rất nhiều người gọi đến chúc mừng và cảm ơn em vì em là nguồn động viên cho họ. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với em. Tinh thần lãnh đạo đã mang lại cho em kinh nghiệm và khả năng ứng dụng vào thực tế, hòa mình với mọi người xung quanh giúp mang lại sự thay đổi. Thứ hai, một người không thể làm được mọi việc. Bạn có thể có ý tưởng, nhưng cần phải tập họp được mọi người chung sức, làm sao cho họ tin vào lý tưởng của bạn, ủng hộ và cùng sát vai với bạn.
Trà Mi: Thạch có thể giới thiệu đôi chút về tổ chức “Swipes for the Homeless’?
Thạch Nguyễn: Điểm đặc biệt của tổ chức này là thay vì đi quyên góp và phân phát lẻ tẻ thì chúng em quyết định cùng làm việc với trường để mở ra một hệ thống để có thể cung cấp nhiều thức ăn cho nhiều người, trong thời gian lâu dài, từ học kỳ này sang học kỳ khác, từ năm này sang năm khác, tạo tác động sâu rộng hơn.
Trà Mi: Đối với những bạn trẻ ở Việt Nam thì hoạt động này nghe có vẻ hơi lạ. Thạch có thể giải thích thêm vì sao sinh viên ở Mỹ lại có những thực phẩm thừa chưa sử dụng để các bạn quyên góp phân phát cho người nghèo?
Thạch Nguyễn: Sinh viên nội trú trong ký túc xá ở Mỹ đầu mỗi học kỳ phải đăng ký mua trả tiền trước cho các phần ăn tập thể. Tới cuối học kỳ, nếu bạn nào còn dư các phần ăn chưa dùng tới, các bạn có thể tìm tới tổ chức của tụi em để góp tặng người nghèo. Các bạn chỉ cần cho biết tên và số phần ăn muốn đóng góp, tụi em sẽ liên hệ với trường để nhận các phần ăn đó, thường là thức ăn đóng hộp, rồi mang đi phân phát cho người nghèo. Tổ chức của em có được trường tài trợ một khoản chi phí rất nhỏ đủ để thuê xe vận chuyển thực phẩm và làm các băng-rôn để quảng bá hoạt động mà thôi. Ngoài ra, tất cả các thành viên đều hoạt động trên tinh thần thiện nguyện. Từ khi thành lập tới nay, tổ chức của em đã quyên góp được hơn 30 ngàn pound thực phẩm.
Trà Mi: Quy mô hoạt động của tổ chức của bạn hiện giờ ra sao?
Thạch Nguyễn: Ở trường đại học UCLA hiện giờ trọng tâm của tụi em là nhắm giúp đỡ các sinh viên vô gia cư. Kế đến là các công dân vô gia cư trong thành phố Los Angeles. Ngoài ra, chúng em cũng mở rộng mô hình hoạt động thiện nguyện này sang 10 trường đại học khác trên nước Mỹ và có một mô hình kiểu này ở Paris, Pháp. Những nơi này khởi sự bằng cách liên lạc với chúng em. Chúng em tư vấn cho họ, giữ liên lạc qua lại, và cùng làm việc với họ.
Trà Mi: Sinh viên vô gia cư, mình nên hiểu điều này thế nào? Vì sao sinh viên lại vô gia cư trong khi có nhiều cơ hội như có thể vừa đi học vừa đi làm thêm và chính phủ Mỹ cũng có chương trình hỗ trợ cho sinh viên vay tiền học v..v..?
Thạch Nguyễn: Lúc làm việc trong phòng tư vấn sinh viên, em rất ngạc nhiên khi được biết số sinh viên vô gia cư ngày càng tăng vì học phí ngày càng đắt đỏ. Các bạn khó khăn hoặc gia đình họ không thể bảo trợ cho họ, họ phải chọn lựa một trong hai, hoặc là ưu tiên trả tiền học phí hoặc là ưu tiên trả tiền sinh hoạt phí ăn ở hằng ngày. Cho nên, nhiều bạn chọn ưu tiên cho tiền học phí thì họ phải ngủ tạm ở nhà bạn bè hay trong xe. Chính phủ Mỹ có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng cũng có những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để được vay tiền hỗ trợ của chính phủ.
Trà Mi: ‘Champion of Change’, quán quân tạo ra sự thay đổi, vinh dự này có ý nghĩa thế nào với bạn?
Thạch Nguyễn: Đây là một vinh dự quá lớn lao đối với em. Em không hề nghĩ tới ngày mình được Tổng thống tiếp. Em hy vọng rằng điều này sẽ khích lệ các bạn trẻ rằng nỗ lực và sự thành tâm sẽ biến mơ ước thành hiện thực.
Trà Mi: Bạn đã học được điều gì từ khi trở thành một nhà lãnh đạo trẻ dấn thân vì công tác thiện nguyện?
Thạch Nguyễn: Em cảm thấy mình may mắn sinh trưởng từ gia đình nghèo khó. Nếu em sinh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ vật chất có lẽ em đã không có được cái nhìn và lòng nhiệt huyết vì người nghèo như vậy. Là người Việt Nam sinh trưởng tại Mỹ, ba mẹ em luôn nhắc em về những sự hy sinh mà gia đình phải trải qua để đến được nước Mỹ bắt đầu một cuộc sống mới. Cho nên, em luôn cố gắng làm cho ba mẹ em hãnh diện. Kinh nghiệm làm lãnh đạo của em càng nhắc nhở em rằng em là người may mắn.
Trà Mi: Theo bạn, tinh thần lãnh đạo có vai trò như thế nào đối với người trẻ?
Thạch Nguyễn: Không phải ai cũng có tinh thần lãnh đạo và là người lãnh đạo được nhưng quan trọng là mỗi người phải tự tin vào khả năng của mình rằng mình có thể góp phần mang lại sự thay đổi bằng cách này hay cách khác.
Trà Mi: Đời sống của bạn đã thay đổi thế nào sau khi bạn được vinh danh là quán quân tạo ra sự thay đổi?
Thạch Nguyễn: Nhiều người đã liên lạc với tổ chức của em, muốn được hợp tác, muốn hỗ trợ tài chính và ý tưởng. Nhiều người biết đến em vì tên em xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, và rất nhiều người chúc mừng. Em rất vui.
Trà Mi: Sau thành công này, kế hoạch sắp tới của bạn ra sao?
Thạch Nguyễn: Chúng em muốn mở rộng hoạt động ra nhiều trường đại học hơn nữa để phát triển mạnh hơn và giúp đỡ được nhiều người hơn. Cách đây vài tuần chúng em được cấp phép chấp thuận quy chế NGO. Sắp tới, chúng em sẽ cố gắng gây quỹ để có được các nguồn tài trợ hầu thực hiện thêm các dự án mới khác nữa.
Trà Mi: Một thông điệp ngắn tới những bạn trẻ đang nghe câu chuyện này, Thạch sẽ nói gì?
Thạch Nguyễn: Hãy cư xử với tất cả mọi người dù giàu hay nghèo bằng tấm lòng tôn trọng, rồi bạn sẽ được mọi người ủng hộ.
Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn được đón tiếp quý vị và các bạn trên làn sóng phát thanh của đài VOA trong chương trình 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần cũng như trên trang web voatiengviet.com, trong phần Chuyên mục-Tường trình đặc biệt, ngay trang chính. Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.