Đường dẫn truy cập

Hội Tết mừng Xuân Nhâm Thìn do CLB Văn Học Nghệ thuật tổ chức


Các bé gái, xinh xắn trong chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam, trình diễn tại Hội chợ Tết
Các bé gái, xinh xắn trong chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam, trình diễn tại Hội chợ Tết

Chiều ngày thứ Bảy 14 tháng 1, 2012 nhằm ngày 21 tháng Chạp năm Tân Mão, Câu lạc bộ Văn học Nghệ Thuật vùng Hoa Thạnh Đốn đã tổ chức chợ Tết tại Trung tâm Cộng đồng Stacy C. Sherwood, Fairfax, Virginia. Hà Vũ đã đi thăm chợ Tết và tường thuật trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.

Thông thường hàng năm, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức mừng Xuân cho các em học sinh lớp tiếng Việt cũng như các em đã đến nhà Việt Nam sinh hoạt trong năm, tại trụ sở Nhà Việt Nam của Hội.

Tuy nhiên do phòng ốc của nhà Việt Nam chật hẹp so với số các em sinh hoạt tại nhà Việt Nam ngày càng đông nên năm nay, Hội Tết mừng Xuân Nhâm Thìn của Câu lạc bộ được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng Stacy C. Sherwood, Fairfax, Virginia từ 2 giờ đến 5 giờ chiều ngày thứ Bảy 14 tháng 1, 2011. Trọng tâm của chương trình mừng xuân Nhâm Thìn là các tiết mục ca nhạc do các em trình diễn.

Nhà văn Lê Thị Nhị, phó chủ tịch Câu lạc bộ giải thích:

“Chương trình văn nghệ được sự giúp đỡ của các liên đoàn hướng đạo cũng như trường Việt ngữ Saint Michael và những em học trong lớp đàn guitare của Nhà Việt Nam do thầy Nguyễn Mạnh Khải hướng dẫn, đồng thời cũng có sự góp mặt của nhóm đàn violon của anh Phạm Dương Hiển.”

Điều khiển chương trình văn nghệ là hai em Elizabeth Bảo Ngọc và Giáng Tường. Cả hai em đều nói tiếng Việt rất rành dù lớn lên và theo học tại các trường địa phương thuộc Virginia.

Em Bảo Ngọc hiện là học sinh lớp 4 cho biết lý do tại sao em nói rành tiếng Việt:

“Con nói tiếng Việt giỏi vì ông bà và bố mẹ con khuyến khích con nên giữ truyền thống Việt Nam và nên chia sẻ và giúp đỡ cho các bạn luôn.”

Em Bảo Ngọc cho biết cảm tưởng của em cũng như các bạn khi tham dự chương trình mừng Xân Nhâm Thìn này:

“Con rất là vui và thích nghe mấy bạn hát và coi mấy bạn múa để mình cùng học luôn. Con thấy có nhiều bạn thích sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam của mình lắm.”

Em Andrew Nguyễn, học tiếng Việt do Liên đoàn hướng đạo Hồng Bàng tổ chức, vừa đàn guitare vưà hát bài “Đón Xuân” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói lên ý nghĩ của em khi được trình diễn trong chương trình văn nghệ:

“Vui nhiều lắm vì mình biết mình trình diễn cho người ta nghe”

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, bố của em Andrew Nguyễn cũng cho rằng những sinh hoạt mừng Xuân hay những sinh hoạt khác là một dịp để con em có thêm bạn mới và hiểu biết thêm:

“Ở nhà nó cũng có bạn nhưng lại đây không khí cộng đồng, có nhiều bạn đồng lứa của nó thì nó vui lắm và nó có vẻ nôn nao để đi.”

Cụ Nguyễn Thị Vân 98 tuổi, thân mẫu của Giáo sư Kim Oanh, cho biết cụ rất vui khi thấy thế hệ trẻ Việt Nam càng ngày càng thành công nơi đất khách quê người.

“Những cháu nhỏ như thế này rồi chúng nó cứ lớn dần lên tôi thấy tôi vui vẻ sung sướng bởi vì không ngờ rằng Việt Nam mình sang nước người, đi tha phương cầu thực nhưng mà thấy người nào cũng thông minh giỏi giang, lanh lợi. Tốt quá, tôi mừng lắm.”

Ngoài chương trình văn nghệ, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thạnh Đốn còn bán đấu giá và xổ số các tặng phẩm và tổ chức các trò chơi truyền thống như bầu cua cá cọp, cá ngựa, lô tô rất được các em ưa thích tham gia đông đảo.

Cô Thu Thủy thuộc ban tổ chức cho biết:

“Các em thích bầu cua cá cọp hơn nên hai bàn các em cho là không đủ, muốn thêm một bàn nữa. Cá ngựa và lôtô các em cũng chơi nhưng không thích bằng bầu cua cá cọp.”

Theo tục lệ của Việt Nam những trò chơi này là một hình thức vui chơi trong những ngày Tết nhưng thường phải ăn thua bằng tiền mới vui. Do đó ban tổ chức phải hạn chế tiền đặt để khỏi có tính cách sát phạt. Cô Thu Thủy giải thích:

“Chỉ cho mỗi lần đặt 25 cent thôi nhưng phải có ba mẹ kèm vì nguyên tắc là nếu có liên hệ đến tiền phải có ba mẹ kèm. Vả lại nếu cần, ban tổ chức cũng không đổi quá 5 đô la.”

Các em thích nhất là thuật xếp giấy thành các hình ảnh gọi là origami.

“Cô giáo xếp một cái áo sơ mi bằng tờ giấy một đô la. Cái đó là cái đẹp nhất. Mấy cái kia cũng đẹp nhưng mất nhiều thời gian. Cô giáo cũng chỉ cho các em xếp những cái đơn giản nên các em xếp xong, các em có thể mang về nhà được.”

Ngoài chương trình văn nghệ, các trò chơi, và Lì xì Tết, ban tổ chức còn dành một phòng để đặt bàn thờ tổ quốc với hai mâm trái cây được xếp thành hình chim phượng, một bàn bán bánh mức, một bàn triển lãm tranh các anh hùng trong lịch sử Việt Nam từ thời Lạc Long Quân và bà Âu Cơ cho đến phong trào kháng chiến chống Pháp dưới thời các vua triều Nguyễn do Viet Toon thực hiện, một bàn bày bán hoa giả, một bàn bán các băng nhạc và các loại sách do tủ sách Tiếng Quê Hương thuộc nhà Việt Nam xuất bản và một bàn đo chỉ số sức đề kháng của cơ thể do các anh chị em làm việc trong công ty Nuskin phụ trách.

Nhà văn Lê Thị Nhị cho rằng những hình thức trình diễn văn nghệ, vui chơi trong các dịp Lễ Tết sẽ giúp các em thích thú và tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt của giới trẻ.

“Tôi thấy hình thức như thế này giúp cho trẻ em rất nhiều. Điều thứ nhất là các em có cơ hội trình diễn, hát múa, đàn những điều các em đã học từ nhà Việt Nam hay các lớp tiếng Việt khác. Thêm nữa các em nhỏ đến đây vì không khí vui và có nhiều em tham dự nên các em có thể thích không khí Việt Nam và các em sẽ đến với những sinh hoạt của giới trẻ Việt Nam nhiều hơn.”

Chương trình mừng Xuân Nhâm Thìn của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Washington năm nay chưa tổ chức được đầy đủ những sinh hoạt truyền thống ngày Tết của Việt Nam như thiếu múa lân vì không đủ không gian để đoàn lân tung hoành và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền chỉ được in trên giấy bằng tiếng Anh để phát cho các em. Cô Thu Thủy cho biết trong năm tới Câu lạc bộ sẽ có nhiều cải tiến hơn nữa:

“Trong tương lai, nếu có điều kiện hoặc có chỗ sẽ họp các em lại làm một màn hoạt cảnh về sự tích bánh chưng bánh dầy, sự tích dưa hấu, nhưng những điều đó không thể một mình, một người làm mà các bậc cô chú sẽ có ý kiến hoặc là các em phải có thời gian, có địa điểm tập dượt và các trưởng các Liên đoàn Hướng đạo phải đồng lòng với mình nữa.”

Mối ưu tư lớn nhất của cộng đồng Việt Nam cũng như các tổ chức, hội đoàn là làm thế nào các tập tục truyền thống của người Việt hải ngoại trong các dịp Lễ Tết không bị mai một, một khi thế hệ lớn tuổi qua đi, là sự tiếp nối của giới trẻ trong việc kế thừa những truyền thống đó. Nhà văn Lê Thị Nhị đề nghị:

“Tôi nghĩ mình phải phân ra làm hai phương thức tổ chức. Một phương thức tổ chức là vẫn theo nghi thức cổ truyền ngày xưa cũng như là tế lễ nhưng bên cạnh đó phải làm những gì cho các em vui và chính các em tham dự vào công việc đó thì các em dễ dàng đến với mình hơn. Chứ nếu bây giờ các em đến chỉ để nhìn các cụ tế lễ không thôi thì các em không đến. Vậy thì mình phải đi từng bước một. Bước đầu mình làm cái gì vui vui, trẻ trẻ để các em tham dự. Dần dần lớn lên các em ý thức được thì các em sẽ đi theo con đường tế lễ cũ của mình.”

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG