Với bản tính cần cù, chịu khó làm việc bất kể đêm ngày, nắng mưa, người dân Việt Nam định cư tại vùng bờ biển Louisana, Mississippi và Alabama sau ngày 30 tháng tư, 1975 dần dà trở nên đa số trong thành phần các cư dân làm nghề đánh bắt hải sản tại 3 bang này.
Ông Dân Nguyễn, gốc Trà Vinh tuy mới đến định cư tại vùng biển Empire của thành phố New Orleans vào năm 1990 nhưng cũng đã tạo dựng được một cuộc sống vững chắc với một tàu đánh tôm cỡ trung. Ông kể lại quá trình xây dựng đời sống mới của người tị nạn Việt Nam:
“Một hai người vô nghề được rồi lần lượt chen chúc hai ba người làm một ghe, xong rồi nhờ tích lũy chiết ra thêm một chiếc ghe nữa.”
Người Việt Nam nhờ chịu khó nên thu nhập khá hơn ngư dân địa phương
“Nghề biển này cực lắm, phải chịu khó. Người Mỹ đánh bắt đúng giờ họ nghỉ. Việt Nam nếu trúng thì hai ba ngày cũng đánh bắt liên tục luôn không đậu lại.”
Không những tạo dựng đời sống mới sung túc cho bản thân và gia đình nhưng ngư dân tị nạn tại đây cũng góp phần vào việc phát triển địa phương nữa.
“Địa phương này hồi xưa xơ xác lắm, bây giờ nhiều hãng xưởng mọc lên. Hãng tôm hồi xưa lèo tèo có hai cái, bây giờ có cả chục hãng tôm. Đường xá được xây dựng và người càng ngày càng đông đúc hơn.”
Trận bão Katrina năm 2005 tàn phá nặng nề các bang thuộc vùng Vịnh Mexico nhưng nhờ tinh thần phấn đấu, chịu đựng, ngư dân Việt Nam vẫn trụ lại được trong khi các cư dân chính gốc phải rời bỏ vùng này, đi nơi khác làm ăn.
“Sau trận bão Katrina, người Việt Nam đại đa số không có bảo hiểm, thường xài tiền mặt nhiều, mua tàu mua đứt. Không cho ngân hàng ăn lời, không muốn trả mỗi năm mấy ngàn đồng bảo hiểm. Do đó sau Katrina, ngư dân Việt Nam suy sụp. Người Mỹ bỏ đi nơi khác làm ăn nhưng người Việt Nam gầy dựng trở lại.”
Vụ dầu tràn xảy ra đúng vào lúc mùa đánh tôm bắt đầu tại 3 bang Louisana, Mississippi và Alabama cũng như lúc tôm đã có giá trở lại. Chính quyền tại 3 bang này ra lệnh đóng cửa các vùng biển liên hệ, cấm các tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. Các chương trình trợ giúp đã được chính quyền liên bang và tiểu bang tổ chức thực hiện với trách nhiệm tài chánh thuộc về công ty BP.
Trong hai tháng đầu, việc nhận trợ cấp dường như có vẻ dễ dàng và suông sẻ nhưng đến tháng thứ ba BP bắt đầu thắt chặt hầu bao. Việc cứu xét hồ sơ xin trợ cấp trở nên chặt chẽ và kỹ càng hơn. Nhiều ngư dân, nhất là những người làm các công việc lao động trên tàu, thường được gọi là deckhand, hoặc bị giảm tiền trợ cấp hoặc bị từ chối hẳn như trường hợp của anh Sơn làm việc trên một tàu đánh tôm hiện đang đậu tại bến vùng Bayou La Batre thuộc thành phố Mobile, bang Alabama. Anh Sơn làm nhiều nghề tại các tiểu bang khác và chỉ mới đến Bayou La Batre đi biển từ tháng 4 năm nay.
“BP chỉ trợ cấp hai tháng, tháng thứ ba không trợ cấp nữa viện cớ là không đi biển trong 3 năm liền”
Những ngư dân không khai thuế cũng bị BP từ chối không cấp tiền trợ cấp khẩn cấp theo như lời kể lại của ông Re một chủ tàu tại Biloxi bang Mississippi.
“Ở đây có một deckhand được chủ tàu cấp giấy khai thuế nhưng không chịu khai. Đến khi vụ dầu tràn xảy ra, anh cầm giấy này xin trợ cấp. BP trợ cấp cho hai tháng được 5.000 đô la, đến tháng thứ ba BP không trợ cấp nữa với lý do anh này không khai thuế.”
Ngoài việc nhận tiền trợ cấp khẩn, việc công ty BP thuê các tàu thuyền đi vớt dầu cũng gây nên những phản ứng trong giới chủ tàu. Vấn đề nổi bật là tính cách công bằng hay không công bằng trong việc BP gọi các tàu đi vớt dầu.
Ông Nguyễn Kha, thuyền trưởng tàu John Paul đưa ra nhận xét:
“Trên thực tế có một số anh em chủ tàu thỏa thuận với BP đi vớt dầu loang và cũng được BP trả một khoản tiền. Một số được kêu đi làm, nhưng cũng còn một số khác trong tình trạng chờ đợi mà không biết đến bao giờ mới đến phiên được đi làm. Tôi nhận thấy đây không được công bằng cho lắm bởi vì việc bồi thường thiệt hại phải được đặt trên nền tảng công bình cho mọi chủ tàu chứ không dành đặc quyền cho một nhóm thiểu số nào đó, họ được đi làm hàng tuần hay hàng tháng còn những anh em khác cứ ngồi nhà chờ đợi hết tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác mà chẳng được gì cả.”
Anh Sơn, thuyền viên của một tàu đậu tại Bayou La Batre, bang Alabama cũng có cùng ý kiến với ông Kha:
“Ông này có vợ con làm trong BP thì tàu của ổng được ưu tiên làm trước, như vậy thì không có fair. Ít nhất họ phải chia ra, 5 chiếc này hay 3 chiếc khác lẫn lộn vô. Những job ngon thì đưa giòng họ vào làm, những job dở đưa cho người khác.”
Ngoài con số đông đảo ngư dân Việt Nam cư ngụ tại vùng Vịnh Mexico chịu ảnh hưởng nặng nề của vụ dầu tràn, những thành phần khác sống nhờ vào việc cung cấp dịch vụ cho các ngư dân, như những tiệm ăn, những cửa hàng bán tạp hóa, cũng thấy thu nhập bị sụt giảm rõ rệt.
Ông Tạo Nguyễn, chủ nhân nhà hàng China Sea tại Empire, New Orleans cho biết:
“BP mướn một số người làm việc cho họ. Họ nuôi ăn sáng trưa và chiều không phải trả tiền cho nên tôi mất một số khách là những người làm việc cho BP. Thứ hai nữa là những người xuống đây đi câu nhưng biển không được mở để họ câu nên họ không xuống. Những người khách này rất đông vào mùa hè. Năm nay không thấy họ. Thứ ba nữa là những ngư phủ làm việc cho BP ở ngoài biển một hai tháng mới về. Cho nên nguồn thu nhập của tôi từ những ngư phủ tại đây bị mất. Điều này thấy rõ ràng.”
Mức thu hoạch của một siêu thị nhỏ tại Bayou La Batre, thuộc Mobile, Alabama sụt giảm rõ rệt từ khi có vụ dầu tràn vì phần lớn khách hàng tại đây là ngư dân:
“Khách hàng sống về nghề sò, ghẹ, nghề biển, bây giờ người ta không có việc làm nữa nên buôn bán cũng xuống nhiều lắm, xuống từ 30% đến 40%. Vùng này và những vùng thuộc Pensacola, Florida, người ta cũng đậu tàu tại thành phố này. Bị vụ này tàu không đến nữa nên ảnh hưởng đến việc buôn bán.”
Đối với ngư dân và những thành phần khác trong cộng đồng Việt Nam chịu thiệt hại trong vụ dầu tràn vùng vịnh Mexico, việc xin trợ cấp khẩn cấp hàng tháng cũng như việc xin bồi thường một lần vì mất lợi tức còn gặp rất nhiều khó khăn vì trở ngại về ngôn ngữ, hoặc vì những khuyết điểm do mình tự tạo ra như không có giấy tờ chứng minh lợi tức chẳng hạn. Do đó cộng đồng Việt Nam và các tổ chức thiện nguyện của người Việt hiện đang cố gắng tìm cách giúp đở những người bị thiệt hại trong các thủ tục nạp đơn cũng như cung cấp những nhu cầu cần thiết hàng ngày.
Ngày 26 tháng 7 vừa qua, tại nhà hàng Panda King thuộc thành phố New Orleans, hơn 300 ngư phủ đã đến dự một buổi họp với sự có mặt của đại diện Sở thuế và trả lời qua truyền hình của đại diện Ủy ban Bồi thường vùng Vịnh, do một số tổ chức và cơ quan thiện nguyện tổ chức để giải đáp những thắc mắc của ngư dân Việt Nam bị thiệt hại trong vụ dầu tràn.
Cô Láng Lê thuộc ASI Federal Credit Union, một trong những người trong ban tổ chức giải thích thêm về lý do cuộc họp:
“Những lần trước văn phòng ông Feinberg đến nói cho các cộng đồng Mỹ và không có nhiều người Việt Nam tham gia vì không biết đến những buổi họp đó. Lần này ban tổ chức có tiếp xúc với văn phòng ông Feinberg để đến đây nói chuyện. Tuy họ không đến được nhưng họ cũng trả lời những câu hỏi qua truyền hình trực tuyến đối với những thắc mắc của đồng hương về số tiền 20 tỉ sẽ đưa ra vào tháng 8 tới.”
Ngư dân Việt Nam vùng Vịnh Mexico hy vọng với việc thành lập Ủy ban Bồi thường vùng Vịnh và ông Kenneth Feinberg được Tổng thống Obama bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban này, công tác trợ cấp khẩn cấp và bồi thường thiệt hại bị mất lợi tức sẽ được nhanh chóng, công bình và minh bạch như lời tuyên bố của ông Feinberg trong những buổi nói chuyện với ngư dân vùng Vịnh trong tháng 7 vừa qua.
Mời quý vị bấm vào đây để xem hình ảnh lưu trữ về ảnh hưởng của vụ dầu tràn đối với ngư dân gốc Việt ở Louisana, Mississippi và Alabama.