Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh tái cơ cấu tập đoàn công nghiệp tàu thủy quốc doanh suýt bị sụp đổ vì nợ nần chồng chất.
Bản tin hôm thứ Sáu của hãng tin AP trích thuật thông cáo trên web site của chính phủ Việt Nam cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu cho Vinashin để đưa công ty này trở lại với công việc làm ăn chính là đóng tàu.
Được thành lập năm 1996, Tập đoàn Vinashin đã được tán dương như một thí dụ về sự thành công của đảng Cộng Sản đương quyền trong việc tự do hóa nền kinh tế và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Những khách hàng ngoại quốc đã rủ nhau thuê Vinashin đóng tàu và công ty này đề ra mục tiêu trở thành một trong những công ty đóng tàu lớn nhất thế giới đồng thời với việc thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, từ sản xuất thức ăn gia súc cho tới điều hành các khu du lịch.
Tuy nhiên, trong quá trình khuyếch trương với việc có gần 200 công ty con, Vinashin đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ mà theo ước tính của chính phủ là lên tới 4 tỉ rưỡi đô la, tương đương với khoảng 4,5% GDP của Việt Nam trong năm 2009. Trong số nợ của Vinashin có 750 triệu đô la trái phiếu quốc tế do chính phủ bảo lãnh.
7 viên giám đốc cao cấp của Vinashin, kể cả Chủ tịch Phạm Thanh Bình, đã bị bắt từ tháng 8 vì cáo giác quản lý sai trái sau khi các vấn đề tài chánh của công ty bị phanh phui.
Vụ bê bối này đã được các cơ quan truyền thông Việt Nam do nhà nước kiểm soát tường thuật rất nhiều trong vài tháng qua.
Trong một cuộc thảo luận ở Quốc hội được chiếu trực tiếp trên truyền hình nhà nước hồi tuần trước, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã yêu cầu thành lập một ủy ban để điều tra trách nhiệm của các thành viên nội các đối với sự thua lỗ của Vinashin. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ.
Theo quyết định hôm thứ Năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Vinashin giờ đây phải tập trung vào 3 lãnh vực chính là đóng tàu, các công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu, và huấn luyện công nhân cho công nghiệp tàu biển.
Cũng theo kế hoạch này, số công ty con của Vinashin sẽ giảm xuống còn 20 và phần còn lại sẽ được đem bán hoặc khai phá sản.
Một số công ty con của Vinashin đã được chuyển cho các công ty quốc doanh khác kể cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Nguồn: AP, VOV, Sai Gon Giai Phong
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1