Các quốc gia đối đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải phớt lờ lệnh cấm đánh bắt cá vô cùng nghiêm ngặt do Bắc Kinh ban hành trong năm nay ở Biển Đông, đặt các đoàn tàu của họ trước nguy bị chặn bắt.
Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/5, dài hơn 30 ngày so với năm trước, đồng thời hạn chế nhiều phương cách đánh bắt cá. Lệnh cấm áp dụng ở Biển Đông, khu vực trên vĩ tuyến 12 dọc theo phía bắc đường xích đạo. Đài Loan, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực cấm đánh bắt, không đồng tình với lệnh cấm của Trung Quốc.
Việt Nam lên án lệnh cấm, trong khi Philippines, nước đã có các cuộc đàm phán được mô tả là ‘tích cực’ với Trung Quốc về vụ tranh chấp hàng hải hồi tháng trước, giữ im lặng để tránh khoác lên tính chính đáng cho lệnh cấm này, theo giới phân tích. Đài Loan trao thưởng cho các chủ tàu áp đặt lệnh cấm của riêng họ, và tuyên bố sẽ giúp bất cứ ngư dân nào bị Trung Quốc bắt giữ.
Lệnh cấm đánh bắt cá được ban hành sau khi một tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông hồi năm ngoái, đã khiến Trung Quốc bị coi thường trên khắp châu Á, và mặt khác, nhắc nhở các nước khác về quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Ông Termak Chalermpalanupap, học giả Viện ISEAS Yusof Ihsak ở Singapore:
"Phản đối lệnh cấm cũng không có tác dụng gì, bởi vì như vậy là chúng ta thừa nhận họ đang áp đặt lệnh cấm, nhưng tại hiện trường, ngư dân biết họ cần tránh những nơi nào."
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thi hành các biện pháp hạn chế đánh bắt hải sản theo mùa trên Biển Đông, lần đầu tiên tuyên bố lệnh cấm vào năm 1995 bằng cách chặn bắt các tàu đánh cá nước ngoài. Sau nhiều năm, ngư dân có kinh nghiệm biết họ có thể hoạt động an toàn ở nơi nào, theo các nhà phân tích.
Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan nói Trung Quốc sẽ "kiểm tra" các tàu thuyền mà họ cho là bất hợp pháp và bắt giữ bất cứ ai không có giấy phép, tên tàu hoặc cảng đăng ký.
Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Monash, Australia, nói rằng tuy vậy, im lặng và phản đối “không đồng nghĩa với việc chấp nhận quyền kiểm soát của bất cứ một nước nào trên "biển cả”- được hiểu là các vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển quốc gia.
Giáo sư Guilfoyle:
"Không ai bị buộc phải tranh cãi các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý. Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia muốn khẳng định một quy định mới, phải được sự chấp nhận của các nước khác. Chấp nhận bằng cách đồng ý hoặc giữ im lặng không phải là một phương pháp thường tình trong việc lập quy định trong luật pháp quốc tế.”
Mặc dù đã tăng cường đối thoại với Bắc Kinh trong suốt một năm, Việt Nam vẫn cảm thấy bất bình với Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền lịch sử. Hồi tháng 3, Việt Nam tuyên bố sẽ điều tàu ra bảo vệ các tàu đánh cá, chống lại việc thi hành lệnh cấm.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói các tàu đánh cá có thể bị tuần duyên và cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, hay đánh chìm.
Ông nói:
"Một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục ra khơi và đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu hoặc bắt giữ. Một số khác thận trọng hơn để tránh rắc rối."
Ông Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu Chương trình Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Nanyang ở Singapore, nói đằng nào thì Trung Quốc cũng sẽ chặn bắt các tàu Việt Nam.
Ông Zhang nói:
"Điều này không chỉ xảy ra trong thời gian lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực. Trong mùa đánh cá, nếu tàu Việt Nam tiến vào các vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, lực lượng tuần duyên Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật khác sẽ có hành động chống họ."
Ông Guilfoyle nói các nước bất bình với các vụ giữ tàu có thể kiện ra Tòa Trọng tài quốc tế, ít nhất để đòi trả lại tàu.
Một báo cáo của tạp chí National Geographic hồi năm ngoái nói sản lượng đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông lên tới 16,6 triệu tấn cá, và ngành khai thác hải sản mướn khoảng 3,7 triệu lao động, nhưng nguồn hải sản đang suy giảm. Các nước đòi chủ quyền nói rằng khu vực này là tuyến hàng hải quan trọng và giàu về trữ lượng khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa.