Một chính quyền tỉnh ở miền trung Việt Nam đã bị chỉ trích về việc tổ chức bán đấu giá cao hổ cốt tịch thu từ những người mua bán trái phép trong lúc quốc tế báo động về số phận của loài thú này.
Theo tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn Đức, bà Lê Thị Minh Thi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ở Hà Nội, nói rằng “những hành động của họ không hữu ích cho nỗ lực bảo tồn hổ.” Bà Thi đề cập tới một hội nghị ở Nga hồi tháng trước và nói thêm rằng “những hành động này đi ngược với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại hội nghị quốc tế bảo vệ hổ.”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa hôm 19 tháng 11 đã đồng ý cho phép các cơ quan chức năng bán đấu giá 2,8 kilogram cao hổ cốt với giá 50 triệu đồng một ký.
Bà Thi nói rằng việc bán đấu giá như vậy góp phần hợp pháp hóa việc mua bán động vật hoang dã.
Theo ghi nhận của phái viên DPA, việc mua bán trái phép hổ và các động vật quí hiếm khác khá phổ biến ở Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà xương cốt và các bộ phận khác của những loài thú này được dùng để bào chế dược phẩm cổ truyền.
Trên thị trường chợ đen, một kilogram cao hổ cốt có thể được bán với giá 10 ngàn đô la.
Tệ nạn mua bán trái phép này đe dọa tới sự tồn tại của loài hổ. Theo ước tính của Traffic, một tổ chức quốc tế chuyên theo dõi nạn mua bán động vật hoang dã, vào năm 1998 có khoảng 1 ngàn 200 con hổ trong vùng biên giới của 5 nước tiểu vùng sông Mekong là Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam.
Tuy nhiên, số hổ sinh sống trong thiên nhiên ở vùng này đã giảm mạnh và hiện nay chỉ còn khoảng 350 con.
Nguồn: DPA, Bao Dat Viet
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1