Đường dẫn truy cập

Việt Nam tăng biên độ tỷ giá lên 5% do nhiều sức ép


Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hôm 17/10 đã nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD từ mức 3% lên 5%, sau khi đồng tiền của Việt Nam giảm giá mạnh do biến động trên thị trường toàn cầu. Giới phân tích nhận định rằng động thái này chỉ đơn thuần là điều chỉnh tỷ giá về mặt kỹ thuật, chứ không gọi là “phá giá đồng tiền”.

“Biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường”, tuyên bố của NHNN hôm 17/10 cho biết.

Lý do cho việc điều chỉnh biên độ này, theo NHNN, là vì “biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước”, trong đó có việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon cho thấy VND mất giá 0,66%, xuống mức thấp kỷ lục 24.270 VND/USD vào chiều 17/10. Tỷ giá tham chiếu hàng ngày do NHNN quy định ở mức 23.586 VND/USD.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nêu nhận định với VOA về lý do ra quyết định nới rộng biên độ giao dịch của NHNN:

“Đồng tiền Việt Nam chịu nhiều sức ép: Hoa Kỳ nâng lãi suất đồng USD, đã gây ra áp lực đối với VND, dòng tiền USD sẽ chuyển dịch nhiều hơn về phía Mỹ; trong nước, sức ép về lạm pháp như giá dầu thế giới tăng, phân bón tăng và giá cả nhiều mặt hàng khác tăng theo, chi phí vận tải tăng gây sức ép…Trong tình hình đó, NHNN đã nới rộng biên độ lên đến 5%”.

Hãng tin Reuters gọi động thái hôm 17/10 của NHNN Việt Nam là “sự phá giá trên thực tế”.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Doanh nói rằng việc điều chỉnh biên độ này đơn thuần là “điều chỉnh về kỹ thuật”, nên không gọi đây là “phá giá”.

Ông nói:

“Đây là việc điều chỉnh giá cho phù hợp với biến động thị trường. Còn nói là ‘phá giá’ thì theo tôi là quá đáng, bởi vì mức điều chỉnh này rộng hơn lên đến 5%, một bước điều chỉnh có tính chất kỹ thuật. Tôi thấy từ ‘phá giá’ là chưa thích hợp”.

Truyền thông Việt Nam hôm 17/10 dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ ±3% lên ±5% là “giải pháp phù hợp, hoá giải các khó khăn về cung cầu ngoại tệ”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói: “Việc điều chỉnh biên độ giao ngay của NHNN là rất tốt”, đồng thời nhận định rằng trong thời gian vừa qua lạm phát tăng cao và áp lực việc USD tăng giá là quá lớn, theo trang Đảng Cộng sản.

Truyền thông nhà nước dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là “khó tránh”. Ông Nghĩa nói rằng bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như NHNN đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết.

Với việc tăng biên độ này, giá cả hàng nhập khẩu sẽ tăng lên và sẽ tác động đến chỉ số giá cả của Việt Nam trong năm nay, Tiến sỹ Doanh nhận định với VOA.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua và đạt 100 tỷ đôla vào cuối năm 2021, tăng so với 92 tỷ đôla của năm trước. Tuy nhiên, NHNN cho biết năm nay đã bơm “một lượng lớn” ngoại tệ ra thị trường, nhưng không nêu cụ thể số lượng là bao nhiêu.

Một số nhà phân tích thị trường ước tính NHNN trong năm nay đã bán khoảng 20 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ tỷ giá, theo Reuters.

Hồi tháng trước, NHNN cũng đã tăng lãi suất chính sách cơ bản lên 1% trong một động thái thắt chặt tiền tệ hiếm hoi nhằm giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG