VOA: Ông đánh giá ra sao về sự kiện các tàu hải giám của Trung Quốc và Việt Nam va chạm tại khu vực mà báo chí trong nước cho là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Ông Dương Danh Huy: Vùng này ở cách bờ biển đất liền Việt Nam 120 hải lý, tức là chắc chắn nó nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Ngoài ra, vùng này nó cũng gần đất liền Việt Nam hơn là gần hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang bị tranh chấp. Thành ra vùng biển này không thuộc về tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa.
Hành động của Trung Quốc là một hành động phá đám. Họ muốn là các nước khác không dám hợp tác với Việt Nam để cho cuối cùng Việt Nam đành phải đi theo chủ trương của họ, là gác tranh chấp, cùng khai thác những vùng nước của Việt Nam.
Đây không phải là hành động đầu tiên và cũng không phải là hành động cuối cùng. Nó chỉ là một trong nhiều bước mà Trung Quốc đã làm và sẽ tiếp tục làm để lấn tất cả các vùng biển của Việt Nam.
VOA: Theo ông, việc Trung Quốc triển khai các tàu hải giám nhằm tăng cường chủ quyền ở biển Đông có dẫn tới thêm các vụ đụng độ như với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh của Việt Nam không?
Ông Dương Danh Huy: Trong những năm qua, Trung Quốc có hai chính sách rất là lợi hại, đó là dùng tàu ngư chính và hải giám. Đó là những phương tiện có khả năng quân sự. Đó là những tàu rất to, chạy rất nhanh và trên tàu ngư chính có trang bị cả súng nữa. Đó là phương tiện quân sự, nhưng dùng nó với danh nghĩa dân sự.
Điều đó nó cho phép Trung Quốc có những hành động rất cứng rắn ở biển Đông, nhưng lại không mang tiếng là dùng quân sự. Với những phương tiện đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường những việc như đàn áp ngư dân Việt Nam cũng như phá hoại các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở biển Đông.
VOA: Với việc Bộ Ngoại giao hai nước lên tiếng mạnh mẽ cùng sự góp sức của báo chí, ông có nghĩ rằng căng thẳng lần này sẽ dẫn tới cuộc leo thang xung đột ở khu vực biển Đông không, thưa ông?
Ông Dương Danh Huy: Tôi nghĩ, nói chung thì xung đột ở biển Đông thế nào cũng ngày càng leo thang, nếu Trung Quốc không bỏ đi yêu sách đường lưỡi bò của họ.
Và cụ thể lần này, lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố rằng hải quân Việt Nam sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ chủ quyền. Từ trước tới giờ, trong tranh chấp trên biển, Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố như vậy. Thành ra, nếu Trung Quốc tiếp tục làm như họ làm và Việt Nam làm đúng theo như mình đã nói, thì thế nào tranh chấp cũng leo thang.
VOA: Báo chí trong nước đã cho đăng tải một số giải pháp mà Quỹ nghiên cứu biển Đông hiến kế. Theo ông, điều Việt Nam nên làm nhất lúc này là gì?
Ông Dương Danh Huy: Điều Việt Nam cần làm nhất là không bao giờ nhượng bộ những sự kiện như vậy, vì nếu mình nhượng bộ, thì mấy công ty dầu khí nước ngoài không bao giờ dám hợp tác với Việt Nam trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mình sẽ không có khả năng khai thác các vùng đó thì từ từ các vùng đó sẽ rơi vào tay Trung Quốc hay là mình sẽ đành phải chấp nhận đề xuất gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc. Thành ra điều quan trọng nhất là Việt Nam không bao giờ nhượng bộ trong những sự kiện như thế này.
Bên cạnh sự đe dọa của Trung Quốc thì đó cũng là một cơ hội để cho Việt Nam làm cho thế giới thấy sự vô lý của Trung Quốc. Thành ra điều rất quan trọng là Việt Nam phải tận dụng cơ hội đó. Nếu Trung Quốc lấn lướt mình, mà mình không làm cho thế giới thấy sự vô lý thì coi như Trung Quốc không phải trả giá gì hết.
VOA: Tức là Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này và lôi kéo sự tham gia của các tổ chức quốc tế như ASEAN?
Ông Dương Danh Huy: Đúng vậy. Lôi kéo ASEAN thì có lẽ cũng hơi khó vì ASEAN rất là chia rẽ. Miến Điện hay Campuchia thì có thể hơi nghiêng về phía Trung Quốc, thành ra khó có thể lôi kéo cả ASEAN một cách có ý nghĩa. Việt Nam phải vận động từng nước một, xem nước nào có thể ủng hộ được mình, không chỉ trong khu vực mà còn cả các cường quốc như Mỹ hay Nhật.
VOA: Còn người dân Việt Nam thì sao, thưa ông?
Ông Dương Danh Huy: Tôi thấy người dân có vẻ rất là sôi sục về vấn đề này. Nhưng mà tôi không phải là nhà nghiên cứu về xã hội, chính trị, thành ra tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Mời quý vị đọc thêm các bài về chủ đề tranh chấp biển Đông từng được phát sóng trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':
Trung Quốc không còn coi biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’?
‘Các bên đều mong muốn biển Đông ổn định’
Bắc Kinh 'đang ngày càng mạnh bạo' ở khu vực biển Đông
‘Việt Nam có thể thất bại khi quốc tế hóa tranh chấp biển Đông’
‘Bắc Kinh muốn chia rẽ ASEAN về biển Đông’
Hoa Kỳ 'không có ý định làm leo thang căng thẳng biển Đông'
Giới chức Mỹ: ‘An ninh biển là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ với VN’
Cám ơn ông Dương Danh Huy. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.