Tại một bệnh viện của nhà tù ở ngoại ô Hà Nội, cựu chiến binh và là tù nhân chính trị Trương Văn Sương đã chết chỉ 25 ngày sau khi bị đưa trở lại nhà tù sau 1 năm được tự do tạm vì lý do sức khỏe.
Cựu quân nhân 68 tuổi từng chiến đấu trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã bị bệnh tim nặng và huyết áp cao.
Phát ngôn viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch Phil Robertson đã lên án nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ ông Sương trở lại.
Ông Robertson nói:"Bắt giữ trở lại một người bệnh nặng đến như vậy rõ ràng là vô nhân đạo và độc ác. Tôi cho rằng bộ Công An muốn dùng ông để dằn mặt những người khác."
Ông Sương đã trải qua một nửa đời trong tù. Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, ông bị đi tù cải tạo trong 6 năm. Phát ngôn viên Robertson nói rằng thời gian bị tù đầy dài như vậy có một ý nghĩa nào đó.
Ông Robertson cho biết tiếp: "Sự kiện ông bị tù từ năm 1975 đến năm 1981 cho thấy ông là một người bị chính phủ kế tiếp quan tâm đặc biệt. Đã có một sự kỳ thị có hệ thống nhắm vào các cựu quân nhân và công chức của chính phủ cũ tại miền Nam. Đã có sẵn một đánh giá để xem ai phải đi tù cải tạo dài hạn hay ngắn hạn."
Sau khi được thả năm 1981, ông Sương đã trốn sang Thái Lan, nơi đây ông gia nhập Mặt Trận Thống Nhất của Lực Lượng Ái Quốc Giải Phóng Việt Nam. Tổ chức này nay đã giải thể, từng tìm cách vào Việt Nam 10 lần trong 3 năm. Hơn 20 thành viên đã bị bắt. Ông Sương bị bắt khi ông tìm cách đổ bộ vào bờ biển Nam Việt Nam năm 1983. Ông bị lãnh án tù chung thân. Trong một thông cáo báo chí gửi hãng tin Associated Press, bộ Ngoại giao Việt Nam đoan quyết rằng sức khỏe của ông Sương bình ổn khi ông bị đưa trở lại nhà tù.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, một cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho biết thông thường các tù nhân bệnh quá nặng cần được cho phép chết ở nhà. Ông nói làm như vậy là hành xử theo tập tục của Việt Nam và an ủi cho cả tù nhân lẫn gia đình của họ. Ông Thuyết đồng ý là những quân nhân từng chiến đấu cho chế độ cũ của miền Nam đã bị đối xử bất công sau chiến tranh.
Ông Thuyết nói sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, những người có lý lịch liên hệ tới cách mạng, như những công nhân hay binh sỹ, được đối xử ưu đãi hơn những người thành phố hay những người thuộc giai cấp trung lưu thấp. Ông nói đối xử tệ với những quân nhân từng chiến đấu cho miền nam hay các viên chức chính phủ cũ đã được giới hạn trong một khoảng thời gian. Ông nói thêm hiện nay những người hay thân nhân của họ từng phục vụ trong chính phủ cũ ở miền Nam không còn bị kỳ thị nữa.
Ông Sương là tù nhân chính trị thứ nhì chết trong nhà tù trong những tháng gần đây. Vào ngày 11 tháng Bảy, ông Nguyễn Văn Trại đã chết ở đông nam Việt Nam sau khi thọ án gần 15 năm vì tội chính phủ Việt Nam gọi là" trốn ra nước ngoài chống chính quyền nhân dân".
Ông đã 74 tuổi và bị ung thư gan. Ông đã chết trước khi mãn hạn tù có 5 tháng. Theo phát ngôn viên của Human Rights Watch thì những tù nhân chính trị bị đau ốm nặng là những trường hợp ưu tiên cần phải được trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện. Ông nêu lên trường hợp của linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị đưa trở lại nhà tù vào tháng Bảy sau khi được tạm tha trong một năm để chữa bệnh. Vị linh mục lớn tuổi này đã bị hai lần đột quị khiến ông bị liệt một phần thân thể.
Ông Robertson nói tiếp: "Tôi không hiểu tại sao bộ Công an lại nghi kỵ đến như vậy đối với những người chỉ hành xử quyền tự do bày tỏ ý kiến của họ. Theo quan điểm của tôi, nó phản ánh một mức độ thiếu tự tin trong bộ Công an, cho quyền kiểm soát xã hội của họ, đến nỗi họ cho rằng ngay cả những người già cả, ốm đau nặng cũng có thể khơi mào cho bất ổn hay bất mãn."
Các quan sát viên quốc tế đang theo dõi sát vấn đề sức khỏe của linh mục Nguyễn Văn Lý.
Một cựu binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa chết trong tù đã gây nên những quan ngại cho các quan sát viên quốc tế tại Việt Nam. Thông tín viên Marianne Brown tường trình từ Hà Nội.