Chính quyền Việt Nam vừa loan báo rằng các thông tin về nhân sự cấp cao của Đảng, bao gồm ‘tứ trụ’ và ban bí thư, là thông tin “tuyệt mật”. Giới quan sát nhận định rằng việc quy định và phân loại như vậy là không minh bạch và đi ngược lại xu hướng của thế giới.
Vào tháng 11/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký hai quyết định 1722/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước của Đảng và 1765/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước và cả hai quyết định này đều có hiệu lực ngay sau khi ban hành.
Cụ thể, các thông tin về bình chọn bộ tứ bao gồm các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư, cũng như các thông tin về kỷ luật liên quan đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kể cả không còn đương nhiệm, nếu chưa công khai, sẽ được xếp loại là “thông tin tuyệt mật.”
Tương tự, các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước về xác định hay xử lý “đối tượng xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia” cũng được xem là “tuyệt mật.”
Chính quyền Việt Nam ra quyết định này chỉ vài tuần trước khi diễn ra Đại hội Đảng XIII, dự kiến tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021, theo đó các chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ được chính thức công bố.
Nhà báo tự do Đường Văn Thái hiện đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan nêu nhận định với VOA về hai quyết định này:
“Ông Phúc ký hai quyết định này đang vấp phải phản ứng của dư luận khi mà nhà nước đang rao giảng về công nghệ 4.0, vì các văn bản này trái với lòng dân và trái với chính các quy định của Đảng về việc Đảng đang công khai các góp ý văn bản, báo cáo, văn kiện Đại hội XIII và các thông tin này được công bố cho toàn dân biết.”
Nhà báo Đường Văn Thái cho biết thêm:
“Việc này cho thấy nhà nước đang răn đe người dân, có thể nói là tuyên chiến với giới bất đồng chính kiến. Bởi lẽ hiện nay đã có Luật An ninh mạng, nay còn thêm hai quyết định này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, ảnh hưởng đến việc tham gia mạng xã hội của những người bất đồng chính kiến.”
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận trên YouTube hôm 31/12 về quyết định của ông Phúc:
“Điều này xâm phạm nghiêm trọng quyền được biết, quyền được thông tin của công dân Việt Nam, theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013.”
Luật sư Đài cho rằng về mặt nguyên tắc thì tất cả các ứng cử viên cho các chức danh lãnh đạo đất nước thì mọi công dân đều có quyền biết để nhân dân theo dõi, giám sát, đánh giá, góp ý,… trước khi họ được chọn hay bầu cử.
Qua hai hội nghị 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa XIII, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Tuy nhiên, thông tin về vấn đề nhân sự này vẫn chưa được tiết lộ.
Trang VNExpress cho biết Hội nghị Trung ương 15 sắp tới, dự kiến khai mạc ngày 15/1/2021, sẽ xem xét “nhân sự đặc biệt” để Trung ương “quyết định.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói:
“Ở các nước dân chủ, việc bảo vệ thông tin nội bộ của các đảng chính trị là công việc riêng của các đảng chứ pháp luật của quốc gia đó không có quy định thông tin nhân sự hay nội bộ của đảng vào danh sách bí mật quốc gia. Nhà nước không có trách nhiệm bảo vệ thông tin của đảng chính trị nào cả.”
Giới quan sát cho rằng ở các nước dân chủ văn minh thì quyền được biết, quyền được thông tin của mọi công dân được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn.