Thông cáo báo chí của Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA) có trụ sở ở Bangkok nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới hôm nay 3/5 nêu rõ Việt Nam nằm trong số các nước trong khu vực có vi phạm và đàn áp tự do báo chí, bắt bớ, sách nhiễu, xuyên tạc, bêu xấu không chỉ các nhà báo và những người cầm viết mà thậm chí là cả giới luật sư bảo vệ cho họ như các luật sư cổ võ nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền.
SEAPA nói rằng các luật lệ an ninh quốc gia tại Việt Nam được sử dụng để đe dọa các ngòi bút. Vẫn theo tổ chức này, với việc chuyển giao quyền chủ tịch Hiệp hội ASEAN từ Thái Lan sang cho Việt Nam trong năm nay, câu hỏi lớn nhất đang được đặt ra là ASEAN và ủy ban nhân quyền của khối sẽ tiến triển đến mức nào trong việc công nhận quyền tự do báo chí.
Cũng trong ngày Tự do Báo chí hôm nay, Tổ chức Ký giả Không biên giới (RSF) đặt trụ sở tại Pháp công bố danh sách đàn áp báo chí mà RSF cho là nguy hiểm và đứng trên luật pháp gồm tên tuổi của 40 chính khách, quan chức nhà nước, lãnh tụ tinh thần, cũng như các tổ chức dân quân trên thế giới đối xử với báo giới như kẻ thù và trực tiếp ra tay đàn áp các ký giả.
Trong danh sách này có tên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam. Theo RSF, trong vai trò lãnh đạo phe bảo thủ, ông Mạnh phát động chiến dịch chống lại các nhà báo tự do, những người viết blog, và các ngòi bút bất đồng chính kiến để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
RSF nói rằng dưới quyền của ông Nông Ðức Mạnh, tổng cộng có tới 100 năm tù giam đã được tuyên đối với những người lên tiếng chỉ trích đảng trong các phiên tòa bất công và nhanh chóng.
Vẫn theo RSF, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Mạnh, lực lượng công an đã tăng cường tập trung trong chiến dịch đàn áp những ngòi bút và các blogger phê phán về dự án mỏ bauxite tại Việt Nam có liên quan tới một công ty nhà thầu Trung Quốc.
Tổ chức Ký giả Không biên giới thống kê hiện có 20 nhà báo và công dân mạng tại Việt Nam đang bị giam cầm. Trong số các cây bút được RSF đề cập tới có các blogger trẻ được nhiều người biết tới như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long.
RSF cho rằng Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam chính là người ra lệnh kiểm duyệt các ngòi bút và bắt bớ những ai bày tỏ quan điểm bất đồng, bất chấp các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới ra đời từ năm 1993 với mục đích ghi nhận tầm quan trọng của nền truyền thông độc lập, tự do, đồng thời chỉ rõ công cuộc đấu tranh và những mối nguy hiểm mà giới nhà báo phải đối diện trong nhiệm vụ thông tin và trao quyền lực cho quần chúng.
Nguồn: Southeast Asian Press Alliance, RSF, Thejakartaglobe.com
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1