Việt Nam vừa lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Hà Nội gọi là ‘bất hợp pháp.’
Trang web của Bộ Ngoại giao nói Việt Nam ngày 6/11 đã gửi công hàm phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Phản ứng của Việt Nam được đưa ra sau khi trang mạng Guancha.cn của Trung Quốc hồi tháng trước dẫn các nguồn tin và hình ảnh chụp từ vệ tinh trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 nói rằng Bắc Kinh nâng cấp bãi đá này thành một hòn đảo lớn hơn cả Ba Bình vốn là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Hình ảnh trên trang DigitalGlobe cho thấy Trung Quốc tới nay đã nới rộng bãi Chữ Thập gấp trên 11 lần từ 0,08 km vuông lên thành gần 1 cây số vuông. Bãi này hiện cũng lớn thứ năm trong số các đảo ở Biển Đông, sau đảo Phú Lâm, Đông Sa, Linh Côn, và Tri Tôn.
Phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/11 nhấn mạnh hành động của Trung Quốc ‘đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; làm phá vỡ nguyên trạng, gây căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực.’
Vẫn theo lời ông Bình, ‘Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.’
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh ‘có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.’
Tin cho hay bề mặt của Đá Chữ Thập có thể tiếp tục được Trung Quốc mở rộng lên gấp đôi diện tích hiện nay lên thành 2 cây số vuông, tức lớn hơn đảo Ba Bình gấp 4 lần.
Bắc Kinh có phần chắc cũng sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự và chính trị của họ ở đây và sẽ biến nơi này thành trung tâm quản lý hành chính cũng như thành lập một tư lệnh cho quân lực ở Biển Đông.
Bãi Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 hiện do thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, quản lý hành chính. Trung Quốc cũng xây dựng một sân bay lên thẳng, một bến tàu, một tòa nhà 2 tầng, và một nhà kính có diện tích 500 mét vuông tại đây.
Hiện có khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc trú đóng trên bãi đá này. Đã có đề nghị xây đảo nhân tạo để mở rộng Đá Chữ Thập hầu xây cất đường băng và hải cảng.
Bãi Chữ Thập hiện do Trung Quốc kiểm soát. Bãi này cách Trung Quốc 740 hải lý về hướng Nam nhưng gần bờ biển Việt Nam hơn.
Đá Chữ Thập được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì trong vòng bán kính 70 cây số không có căn cứ nào do nước ngoài kiểm soát. Bãi này cách trung tâm chỉ huy của Việt Nam ở Trường Sa chừng 110 cây số và cách trung tâm tư lệnh của Philippines khoảng 225km.
Giới phân tích cho rằng công trình khai hoang, xây dựng ở bãi Chữ Thập dự kiến có thể dẫn tới một tiền đồn trọng yếu cho các hoạt động quân sự và thương mại dân sự của Trung Quốc trong các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Kể từ cuối năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tiến hành hoạt động xây dựng và cải tạo địa hình tại nhiều bãi đá và đảo nhỏ ở Trường Sa, kể cả bãi Chữ Thập.
Trung Quốc tuyên bố có quyền tiến hành bất kỳ hoạt động xây dựng nào trong phạm vi ‘lãnh thổ của mình’ và các nước không được phép bình luận.
Hiện trên quần đảo Trường Sa có 4 đường băng do Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan quản lý.
Truyền thông Đài Loan gần đây dẫn lời giới chuyên gia tố cáo các hoạt động xây dựng, cải tạo địa hình do Việt Nam thực hiện ở quần đảo Trường Sa còn hơn cả Trung Quốc.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng chiều ngày 6/11 nói ‘Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam tại hai quần đảo này đều phù hợp với chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông'.