Đường dẫn truy cập

Sự chống đối của VN có thể xoay chuyển kế hoạch thủy điện của Lào


Lào nói rằng những đập được đề nghị xây dựng trên sông Mekong sẽ giảm thiểu tình trạng nghèo khó và thúc đẩy nền kinh tế
Lào nói rằng những đập được đề nghị xây dựng trên sông Mekong sẽ giảm thiểu tình trạng nghèo khó và thúc đẩy nền kinh tế

Các giới chức Việt Nam đang chỉ trích kế hoạch gây nhiều tranh cãi của chính phủ Lào nhằm xây dựng một đập trên sông Mekong. Các chuyên gia cho rằng sự chống đối của Việt Nam và các nước khác ở hạ nguồn sông Mekong có thể buộc Lào phải tiết giảm các tham vọng về thủy điện. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Mike Ives gửi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức Việt Nam đang công khai chống đối một kế hoạch của nước láng giềng Lào định xây một đập thủy điện trên sông Mekong.

Đập thủy điện Xayaburi trị giá 3 tỷ rưỡi đôla là đập đầu tiên trong 12 đập dự trù cho hạ nguồn sông Mekong. Một công ty của Thái Lan sẽ xây đập này, và Thái Lan sẽ mua phần lớn trong số 1 ngàn 260 megawatt điện do đập này sản xuất.

Các giới chức Lào nói rằng những đập được đề nghị xây dựng trên sông Mekong sẽ giảm thiểu tình trạng nghèo khó và thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia nằm kẹt trong đất liền này.

Nhưng các giới chức Việt Nam lại cho rằng đập này sẽ gây thiệt hại cho nguồn cấp nước và đe dọa đến ngư nghiệp trên những nhánh sông ở hạ nguồn. Các nhận định mới đây của các giới chức Việt Nam lập lại những lời cảnh báo của các nhà bảo vệ môi trường cho rằng những đập nước trên sông Mekong sẽ gây thiệt hại cho môi trường và đe dọa đến nguồn sống của dân chúng sống gần con sông.

Các chuyên gia phân tích nói rằng áp lực chính trị từ phía Việt Nam và các nước láng giềng ở hạ nguồn sông Mekong là Thái Lan và Kampuchea, có thể buộc Lào phải trì hoãn hay điều chỉnh lại các kế hoạch kiểm soát dòng chảy của sông Mekong.

Ông Philip Hirsch, một giáo sư về sinh thái học con người tại trường Đại học Sydney, nói với đài VOA rằng trong số các nước ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam cho tới nay đã công khai chỉ trích nhiều nhất các tham vọng về thủy điện của Lào.

Ông Hirsch nói: “Vấn đề đáng chú ý mà tôi cho là bất cứ ai cũng rất khó mà trả lời là làm thế nào hai nước Lào và Việt Nam, gần nhau đến thế, mà lại tự tách rời nhau ra khỏi điều mà lúc này dường như các lập trường hoàn toàn đối nghịch nhau về đập Xayaburi.”

Việt Nam và Lào đều là các nước độc đảng và ông Hirsch nói rằng Việt Nam thường gây ảnh hưởng đối với chính sách 'đóng kín cửa' của Lào. Nhưng theo ông thì việc các giới chức cấp cao của Việt Nam mới đây chỉ trích đề nghị xây đập Xayaburi mang tính cách 'rất công khai'.

Tất cả 4 quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong đều sẽ theo dõi sát một đề nghị có liên quan đến đập này dự trù sẽ được Ủy ban hỗn hợp của Ủy hội sông Mekong, một cơ quan tham vấn được thành lập năm 1995 để quảng bá việc phát triển bền vững dọc theo hệ thống sông Mekong dài 4.900 kilomet.

Nhưng ông Hirsch nêu ra điểm là Ủy hội sông Mekong – còn gọi tắt là MRC – không có quyền buộc Lào phải từ bỏ các kế hoạch xây đập Xayaburi và các đập khác trên sông Mekong.

Ông Hirsch cho biết: “MRC không phải là một tổ chức điều hành. Đây không phải là một cơ quan mạnh về mặt đó, nó là một tổ chức vẫn từng hoạt động trên cơ sở tìm cách đạt được sự đồng thuận, và nếu chúng ta trông đợi MRC đề ra luật lệ, thì tôi cho rằng ta đã nhìn sai hướng.”

Ông Hirsch nói rằng Thái Lan đã nhất quyết giữ vững tính trung lập trong các cuộc thương lượng của MRC, vốn đặt trách nhiệm lên các giới chức Việt Nam và Kampuchea để giải quyết đề xuất về đập Xayaburi trong các cuộc thảo luận với đối tác Lào.

Ông Trịnh Lê Nguyên là giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ PanNature. Ông nói với đài VOA rằng mặc dầu Lào có quyền quyết định chung cuộc về đập Xayaburi và những đập khác trên sông Mekong, Việt Nam vẫn có thể làm áp lực với Lào bằng cách đe dọa sẽ không đầu tư vào các dự án thủy điện khác trên sông Mekong.

Ông Trịnh Lê Nguyên nói: “Việt Nam có thể quyết định không đầu tư hay mua bất cứ thứ gì của Lào. Đó là một trong những cách mà họ có thể có quyền lực.”

Hồi tháng 10, một cuộc khảo cứu độc lập do MRC ủy nhiệm đã đề nghị rằng các nước ở hạ nguồn sông Mekong nên hoãn lại các quyết định về dự án thủy điện trong 10 năm, và cảnh báo rằng các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ tác động tiêu cực đến tình trạng an ninh thực phẩm và gây ra những hậu quả “nghiêm trọng và vĩnh viễn” về môi trường.

Trung Quốc, nước nằm giáp ranh với Lào về phía bắc, đã đưa vào hoạt động 5 đập trên các nhánh ở thượng nguồn sông Mekong.

VOA Express

XS
SM
MD
LG