Đường dẫn truy cập

Đại sứ Thụy Điển tại VN: ‘Minh bạch thông tin giúp chống tham nhũng’


Ông Herrström nhận định rằng một nền báo chí chuyên nghiệp giúp phát triển 'tính dân chủ của xã hội'.
Ông Herrström nhận định rằng một nền báo chí chuyên nghiệp giúp phát triển 'tính dân chủ của xã hội'.

Thưa quý vị, Việt Nam mới ra mắt một Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí với sự tài trợ của Thụy Điển. Đây là một phần của dự án về truyền thông trị giá khoảng 1,2 triệu đôla. Trong cuộc trao đổi với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, Tân Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam Staffan Herrström cho biết chính quyền Stockholm cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng thông qua một nền báo chí chuyên nghiệp, cởi mở và minh bạch. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Đào tạo báo chí là một trong các lĩnh vực hợp tác chính giữa hai quốc gia. Vì sao Thụy Điển lại chú trọng tới vấn đề này, thưa ông?

Đại sứ Staffan Herrström:
Chúng tôi tin rằng một nền báo chí chuyên nghiệp và có chất lượng là một cách thức quan trọng nhằm phát triển tính dân chủ của một xã hội, cũng như giúp thúc đẩy kinh tế.

Sự cởi mở và minh bạch thông tin là những thành tố chính giúp chống tham nhũng cũng như chống việc quản lý tồi. Chính bởi lẽ đó, nhiều năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các nhà báo. Chúng tôi tin rằng điều đó giúp cải thiện chất lượng báo chí cũng như giúp nới rộng tự do ngôn luận.

VOA: Thưa Đại sứ, từ nay tới năm 2013, Thụy Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam 1,2 triệu đôla để đào tạo báo chí. Ông hy vọng sẽ đạt được những gì từ các dự án như thế này?

Đại sứ Staffan Herrström: Chúng tôi đang chuyển đổi từ việc tiến hành các khóa đào tạo về kỹ năng, ví dụ như báo chí điều tra, mà một số lượng lớn các phóng viên đã tham gia, tới việc hỗ trợ thiết lập một trung tâm đào tạo truyền thông. Chúng tôi tin rằng thông qua việc này, Việt Nam sẽ có một cơ sở vững chắc với chất lượng cao để đào tạo báo chí ngay ở trong nước.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ nỗ lực cải thiện vấn đề quản lý báo chí với Việt Nam. Hôm thứ Hai, tôi tham dự lễ khai mạc dự án này ở TP HCM. Bài học từ nhiều nước cho thấy, nếu một cơ sở báo chí không được điều hành tốt theo phong cách hiện đại, thì cơ sở đó sẽ thất bại và nỗ lực cải thiện môi trường báo chí cuối cùng sẽ là điều vô vọng mà thôi.

VOA: Từng làm báo ở Thụy Điển hồi những năm 80, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của tự do thông tin và truyền thông?

Đại sứ Staffan Herrström: Đây là yếu tố quan trọng với tất cả mọi quốc gia, không riêng gì nước nào. Đặc biệt là hiện giờ, Internet cùng với các mạng xã hội như Facebook hay blog đã thay đổi cách thức truyền đạt thông tin một cách năng động và tích cực hơn.

Với tư cách là một cựu ký giả và một chính trị gia cũng như một công chức, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng quyền tự do thông tin cộng với một nền báo chí chuyên nghiệp, chất lượng cao là thành tố chính giúp phanh phui các vụ tham nhũng và quản lý yếu kém. Sự phối hợp này, theo tôi, là một công cụ hiệu quả nhất.

VOA: Thụy Điển sẽ tham dự cuộc đối thoại chống tham nhũng thường niên, với trọng tâm là về vấn đề sử dụng và quản lý đất đai, vào cuối tháng 11. Vì sao các bên lại bàn về vấn đề này, thưa ông?

Đại sứ Staffan Herrström: Cuộc đối thoại này đã diễn ra nhiều năm và đây là lần thứ tám chúng tôi ngồi lại để thảo luận. Chủ đề lần trước là về giáo dục, sức khỏe và giờ là về đất đai.

Sở dĩ chúng tôi lại đưa vấn đề này ra trao đổi là bởi vì đây là một lĩnh vực mà nguy cơ xảy ra các vụ tham nhũng rất lớn. Chúng tôi đã nhận thấy có bằng chứng về các sai phạm, và điều này cần phải giải quyết, xử lý.

VOA: Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Thụy Điển nằm trong số năm nước trên thế giới ít xảy ra tham nhũng nhất. Thưa ông, bài học nào từ Thụy Điển có thể áp dụng tại Việt Nam?

Đại sứ Staffan Herrström: Bài học đầu tiên mà tất cả các nước nhận ra, đó là, cuộc chiến chống tham nhũng không bao giờ ngưng nghỉ. Không ai có thể tin rằng họ đã giành chiến thắng hoàn toàn. Chúng tôi cũng phải chống tham nhũng mỗi ngày. Gần đây, có một số vụ tham nhũng đã bị báo chí Thụy Điển phanh phui. Bản thân chúng tôi cũng không hoàn toàn miễn trừ khỏi căn bệnh này.

Thứ hai, đó là tầm quan trọng của sự cởi mở và minh bạch thông tin. Hiện Thụy Điển có luật về quyền được tiếp cận thông tin, và điều này giúp hiện thực hóa sự minh bạch trong xã hội. Tôi hy vọng điều đó sẽ truyền cảm hứng cho các quốc gia khác, không riêng gì Việt Nam.

VOA: Tháng trước, khi trình Quốc thư lên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, ông được trích lời nói rằng một trong những nhiệm vụ chính của ông ở Việt Nam sẽ là hỗ trợ nỗ lực cải cách của Việt Nam trong các lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Thụy Điển sẽ làm gì để giúp Việt Nam, thưa ông?

Đại sứ Staffan Herrström: Có một số việc chúng tôi đã thực hiện trong vấn đề dân chủ và nhân quyền như giúp Việt Nam chống tham nhũng, bao gồm hỗ trợ hoạt động thanh tra, giám sát. Một lĩnh vực khác chúng tôi đã thực hiện, là giúp huấn luyện, đào tạo phóng viên.

Thêm nữa, Thụy Điển cũng giúp Việt Nam chống lại nạn bạo hành đối với phụ nữ, bạo hành gia đình cũng như giúp nâng cao nhận thức cũng như tăng cường quyền lợi của những người đồng tính.

Ngoài ra, một trong các ví dụ tiêu biểu nhất của việc Thụy Điển hỗ trợ phát triển dân chủ là về vấn đề trao quyền cho các dân làng thông qua cách tiếp cận mang tinh chia sẻ, theo đó người dân sẽ quyết định các ưu tiên phát triển tại cộng đồng của mình.

Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG