Đường dẫn truy cập

Việt Nam là Việt Nam - Miến Điện là Miến Điện?


Tổng thống Miến Điện Thein Sein là người có tư tưởng ôn hòa và hành động cải cách vì dân chủ.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein là người có tư tưởng ôn hòa và hành động cải cách vì dân chủ.
Khi nói chuyện chính trị mà không muốn áp đặt chuyện của nước này phải cần giống nước khác trong trò chơi chính trị thì người ta thường nói Mỹ là Mỹ và Việt Nam là Việt Nam.

Nhưng khi nói đến chuyện nhanh chóng chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ trong số các nước ASEAN, thì ai cũng muốn mang Miến Điện ra làm thí dụ. Do vậy đừng so sánh với Mỹ làm gì, mà chỉ cần xem Việt Nam có cầu thị trong việc tiến đến dân chủ theo mô hình Miến Điện hay không?

Quan chức trong bộ máy chính quyền Việt Nam sẽ không ngần ngại nói rất ta đây là Miến Điện là Miến Điện và Việt Nam là Việt Nam với hàm ý không nên mơ tưởng đến việc dân chủ hóa đất nước Việt Nam theo kiểu Miến Điện.

Nhưng với một bộ phận không nhỏ người Việt Nam khát khao dân chủ thì việc nhìn sang Miến Điện để hy vọng việc chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang dân chủ đích thực là điều hoàn toàn có cơ sở vì mô hình này là điều dễ thực hiện nhất.

Miến Điện chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ

Hoa Kỳ đã kiên nhẫn trong việc thuyết phục lãnh đạo Miến Điện chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ suốt trong hơn một thập niên qua. Thật vậy, Miến Điện vốn là một nước thuộc địa Anh cho nên có nền móng dân chủ, tự do theo kiểu phương Tây trong thập niên 60, nhưng sau đó đã chuyển sang độc tài cho đến gần hết thế kỷ 20. Tuy nhiên nước này may mắn có nhà đấu tranh cho dân chủ nổi tiếng thế giới là bà Aung San Suu Kyi.

Ông Thein Sein, một cựu tướng lãnh, lên nắm quyền năm 2007 và trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên từ sau cuộc đảo chánh năm 1962. Là người có tư tưởng ôn hòa và hành động cải cách vì dân chủ. Ông được quân đội ủng hộ. Vào thời điểm đó bà Aung San Suu Kyi vẫn còn bị quản thúc và chúng ta còn nhớ ngay đến các nhà sư Miến Điện cũng phải xuống đường biểu tình – và bị đàn áp đẫm máu. Trong khi Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và EU kiên nhẫn đàm phán để thuyết phục Miến Điện trở lại con đường dân chủ, thì Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhất vì đã đầu tư vào Miến Điện rất nhiều…

Cải cách kinh tế hay cải cách chính trị trước?

Với tổng thống dân cử Thein Sein và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, Miến Điện đã chọn con đường cải cách chính trị trước khi có cải cách kinh tế. Giống như Nga và các nước Đông Âu đã chọn căn cứ vào tình hình chính trị nước nhà. Nó không giống Trung Quốc và Việt Nam - cả hai nước đang chọn con đường cải cách kinh tế TRƯỚC cải cách chính trị.

Nhìn Trung Quốc thay da đổi thịt từ 1980 và nhìn Việt Nam cũng thay đổi từ 1986 cho đến nay, nhiều người nghĩ đó là sự lựa chọn đúng đắn. Có thể nói chính vì sự lựa chọn đó mà các nhà lãnh đạo của hai đất nước này khó bước đi tiếp theo đến cải cách chính trị vì họ nghĩ rằng, chính nhờ họ mà đất nước được phồn vinh và họ kéo dài thời gian cải cách kinh tế thay vì phải chuyển hướng sang cải cách chính trị.

Chính quyền Việt Nam dường như đã tự hào một cách vô lối về sự kiện ở Việt Nam không có đối lập – Họ nói rằng phía chống đối không có ai đáng làm đối trọng với họ như kiểu Miến Điện có Aung San Suu Kyi. Họ quên rằng, dưới sự cai trị sắt đá, toàn trị thì mọi đối lập đã bị triệt tiêu, mọi nhân vật chủ trương cải cách đã bị tù đày, mọi hoạt động vì quyền con người của các nhà cải cách trẻ như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định đều đã bị hình sự hóa.

Lực lượng cải cách

Nếu chỉ nhìn vào khoảng trống chính trị của Việt Nam hiện nay, mọi người sẽ dễ bi quan và nghi ngờ thiện chí cải cách chính trị của Đảng cầm quyền. Nghĩ như vậy cũng có phần đúng và không đúng - không đúng vì đất nước Việt Nam còn các đối trọng khác xem ra còn mạnh hơn cả thành phần đối lập. Họ là ai? Xin nói ngay đó là các Nhân Sĩ Trí Thức và khối người Việt hải ngoại lúc nào cũng đau đáu về đất nước nơi đó có người thân họ sinh sống mà không được dân chủ đích thực. Cần nói rằng khối Nhân Sĩ Trí Thức trong nước hiện nay đã “nối kết” được rất nhiều trí thức hải ngoại qua việc hợp tác và trao đổi tri thức chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật và khoa học xã hội. Do vậy chúng ta vui mừng thấy rằng trong các kiến nghị cải cách gửi chính quyền, trí thức trong và ngoài nước đã cùng nhau ký và lên tiếng về các vấn đề trọng đại của đất nước như: làm đường cao tốc, bauxite ở Tây Nguyên, hay điện hạt nhân ở Ninh Thuận… Người dân nên lấy làm mừng là Nhân Sĩ Trí Thức Việ Nam ở hải ngoại đã luôn cống hiến trí tuệ, tim óc cho dân tộc, đất nước, bất chấp sự khắc nghiệt của thể chế chính trị luôn dị ứng với mọi kiến nghị, góp ý. Chính quyền chỉ muốn lợi dụng chất xám của họ… nhưng về điều hành đất nước… thì đã có Đảng Cộng sản lo liệu tất. Thế còn đất nước và dân tộc này so với đất nước khác về cả về tiềm năng kinh tế và niềm tự hào đích thực, các nhà lãnh đạo Việt Nam tự họ có làm được không? Chắc chắn là không!

Như vậy nói về đối trọng thay cho đối lập, nếu Miến Điện có Aung San Suu Kyi và các đảng khác thì Việt Nam đã có khối Nhân Sĩ Trí Thức và khối người Việt hải ngoại thay thế. Vần đề còn lại là ở chỗ phía chính quyền và Đảng cầm quyền đã sẵn sàng xúc tiến cải cách chính trị hay chưa, trong khi quả bong đang nằm trên phần sân của họ. Ở Miến Điện có Thein Sein, còn Việt Nam thì có ai? Mới đây, khi trả lời báo chí tại Đan Mạch và Hungary, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói một cách yếu ớt rằng, “chúng tôi” - tức Đảng cầm quyền – “ cũng đang nghĩ về cải cách thể chế…”. Nếu điều đó là đúng thì rõ ràng họ đang loay hoay và do vậy cần thiết phải giúp họ tháo gỡ về tư duy chính trị - điều mà Đảng Cộng sản khi tiến hành cải cách ở cuối thập niên 80 và suốt cả thập niên 90 và ngay cả thập niên đầu của thế kỷ 21 cũng vẫn chưa học hết được “Know how” của Tây Phương.

Và đó mới là điều khác biệt then chốt – và cũng là duy nhất – giữa Miến Điện và Việt Nam hiện nay.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG